Vụ kiện kéo dài 7 năm giữa công ty Novartis và giới hữu trách Ấn Độ đã kết thúc ngày hôm nay khi tòa án tối cao nói rằng thuộc trị ung thư Glivec không thỏa mãn các điều kiện về “sự mới mẻ hay sáng tạo” mà luật pháp Ấn Độ đòi hỏi để được cấp bằng sáng chế.
Novartis đã đòi được cấp bằng sáng chế vì họ cho rằng phiên bản mới của Glivec là một sự tiến bộ to lớn so với phiên bản trước. Tuy nhiên, giới hữu trách Ấn Độ nói rằng Glivec không phải là thuốc mới mà chỉ là một phiên bản đã được sửa đổi của một loại thuốc cũ. Glivec được dùng để trị ung thư máu và được cấp bằng sáng chế tại nhiều quốc gia.
Một vị luật sư của Hiệp hội trợ giúp bệnh nhân ung thư ở New Dehli, ông Anand Grover, nói rằng luật sáng chế ở Ấn Độ nghiêm khắc hơn các nước khác và họ chỉ cấp bằng sáng chế cho những phát minh thật sự.
Ông Grover nói: "Họ không cho phép những hình thức mới của một loại thuốc cũ được cấp bằng sáng chế trừ phi thuốc mới này có công hiệu hơn rất nhiều."
Vụ kiện này được xem là một cuộc đấu tranh rất quan trọng giữa các công ty dược phẩm phương Tây với những nhân vật tranh đấu cho công tác chăm sóc sức khỏe trên thế giới - những người muốn bảo đảm là những loại thuốc giá rẻ được tiếp tục cung ứng cho bệnh nhân bởi công nghiệp sản xuất thuốc không nhãn hiệu của Ấn Độ.
Các nhân vật tranh đấu chăm sóc sức khỏe rất vui mừng trước phán quyết của Tối cao Pháp viện Ấn Độ. Hội Y Sĩ Không Biên Giới nói rằng phán quyết này bảo vệ sức khỏe công cộng và sẽ bảo đảm là hàng triệu người trên thế giới không bị cắt đứt nguồn cung ứng của các loại thuốc dùng để trị các chứng bệnh gây chết người như AIDS, lao và ung thư.
Bà Jennifer Kohn, giám đốc y khoa của Hội Y Sĩ Không Biên Giới ở Geneve cho biết như sau.
Bà Kohn nói: "Ấn Độ sản xuất 80% thuốc không nhãn hiệu được dùng ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Chúng tôi cần có những loại thuộc không nhãn hiệu có giá rẻ hơn này, để chúng tôi có thể mua các loại thuốc quan trọng, cứu được mạng người, để chữa trị cho các bệnh nhân của chúng tôi."
Có một sự khác biệt rất lớn giữa thuốc không nhãn hiệu và thuốc có nhãn hiệu – chẳng hạn như tiền thuốc một tháng của loại thuốc Glivec chính cống lên tới 2.500 đô la, trong khi dùng thuốc không nhãn hiệu ở Ấn Độ chỉ tốn khoảng 175 đô la.
Các công ty bào chế thuốc cảm thấy thất vọng trước phán quyết ở Ấn Độ. Novartis bày tỏ quan tâm về điều mà họ gọi là “sự không thừa nhận ngày càng tăng đối với tài sản trí thức” ở Ấn Độ. Ông Ranjit Shahani, người đứng đầu các hoạt động ở Ấn Độ của công ty Novartis, phát biểu như sau.
Ông Shahani nói: "Phán quyết này không tốt lắm và cho thấy môi trường khuyến khích sáng tạo không tồn tại ở Ấn Độ. Chúng tôi đã chứng kiến các dự án đầu tư phát triển và phát triển lên tới cao điểm vào năm 2005, rồi từ khi chúng tôi có luật mới về quyền sáng chế, thì tất cả mọi hoạt động đầu từ đó đều chuyển sang Trung Quốc."
Phán quyết của Tối cao Pháp viện cũng là một sự thất bại của các công ty đa quốc khác đang có những vụ tranh chấp về quyền sáng chế ở Ấn Độ. Ấn Độ không do dự trong việc cho phép các công ty địa phương sản xuất những loại thuốc đắt tiền. Năm ngoái họ cho phép một nhà sản xuất ở địa phương sản xuất loại thuốc không nhãn hiệu của thuốc trị ung thư của công ty Bayer. Lý do nêu ra là cần phải cung cấp thuốc với giá cả phải chăng cho người dân.
Các công ty dược phẩm đa quốc xem luật Ấn Độ là một cách né tránh các quyền về bằng sáng chế và họ cho rằng sự bảo vệ thiếu thỏa đáng đối với quyền sáng chế sẽ làm nản lòng các nhà phát minh.