Các triệu chứng thần kinh thực vật

PostTue Jul 26, 2011 10:45 pm

VOA - Health

<!--IMAGE-->
Chúng tôi có nhận được email của một thính giả, nội dung như sau:

Tôi tên Nguyển San 60 tuổi ngu tại Binh Dương, xin chương trình y học của đài chuẩn đoán cho tôi các bệnh lý như sau: tôi đang bồn chồn lo lắng khi chuẩn bị đi saigon chẳng hạn (khi chuần bị đi thì trống ngực bắt đầu đập, nghe khó thở, mồ hôi chân tay đổ ra, bèn xức,dầu khoảng 15 phút sau thì thấy đỡ và có thể đi được) hiện tại thì đang bị các chứng sau: vào đám đông, đi đám cưới, tiệc tùng vào trong phòng mở nhạc lớn, hoặc đang xem bóng đá khán giả đánh trống la lớn thúc giục, hoăc xem phim sex thì tim đập mạnh ra mồ hôi chân tay không thể ngồi coi hay dự tiêc được bắt buộc phải đi khỏi nơi đó đi lại lay động tay như tâp thể dục khoảng 15 phút sau bắt đầu ngáp (ngáp rất dài và nhiều lần) thì trở lại bình thường. Tôi có đi khám thì bác sĩ bảo rằng tôi bị Thần kinh TIM (thần kinh thực vật). Xin bác sĩ chuẩn đoán cho tôi lời khuyên xin trân trọng. Cám ơn.

Chúng tôi đã chuyển thư cho bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia và được bác sĩ giải đáp như sau:
Anxiety Disorders and Autonomic Nervous Dysfunction:

Tôi chỉ xin cung cấp một số thông tin liên quan đến những triệu chứng rất khó chịu mà thính giả nêu ra, đồng thời sẽ cố gắng giải thích thế nào là thần kinh thực vật để thính giả hiểu thêm đôi chút về định bịnh của bác sĩ của mình.

Những triệu chứng như trống ngực đập (tim đập nhanh/tachycardia, hồi hộp/ palpitations), mồ hôi tay chân đổ ra (sweating) là những dấu hiệu của sự kích thích quá độ của hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) trên tim và trên các tuyến mồ hôi. Triệu chứng tự nó không có nghĩa là tim bị bịnh, và có lẽ trái tim không có gì bất thường. Do ảnh hưởng của hệ thần kinh trung ương (não bộ) truyền xuống trên trái tim làm cho tim đập bất thường mà thôi. Ví dụ tim đập quá nhanh, đập loạn nhịp, hoặc quá mạnh làm cho bịnh nhân thấy hồi hộp, và đôi khi lo sợ về tình trạng trái tim của mình, do đó lại càng hồi hộp hơn. Vì vậy mà bác sĩ nói rằng ông bị thần kinh tim, và nói rõ là thần kinh thực vật (dịch tiếng Pháp: systeme nerveux vegetatif, tiếng Anh : autonomic nervous system tạm dịch là thần kinh tự động). Chúng ta gọi hệ thần kinh thực vật vì hệ thần kinh này hoạt động không tùy thuộc vào ý chí của chúng ta. Cũng giống như cỏ cây (thực vật), nó hoạt động tự mình nó, một cách tự động: ví dụ chúng ta thức, làm việc mệt thì tim chúng ta đập nhanh; ngủ, nghỉ ngơi thì tim đập chậm lại, chúng ta không điều khiển tim ngừng lại hay nhanh lên theo ý chúng ta được.

Bình thường cơ thể chúng ta được trang bị đễ tự giữ nó trong tình trạng quân bình nào đó, cơ chế này tiếng Anh gọi là homeostasis. Nếu các tín hiệu cho biết tình thế yên ổn, cơ thể cảm thấy mình có thể “thoải mái” được, thì hệ đối giao cảm (parasympathetic system) nắm quyền ‘trưởng ban nhạc”, làm cho tim đập chậm lại, nước miếng ra nhiều, bao tử và ruột làm việc gia tăng để dễ tiêu hóa, ngay cả tình trạng bộ phận sinh dục (căng cương) cũng trở nên thuận tiện so sự sanh con đẻ cái. Ngược lại, nếu cơ thể nhận được những tín hiệu cho biết nó bị đe dọa, nói chung là hiện diện các stress, và nó cần phải “chiến đấu hoặc chạy trốn” (fight or flight), thì hệ thần kinh giao cảm (sympathetic system) được tự động kích hoạt: cuống phổi nở ra (bronchodilation), tim đập nhanh, bóp mạnh hơn, áp huyết lên cao, mồ hôi tay vã ra, mạch máu ngoài da co lại để ưu tiên máu vào tim, óc, cơ bắp (để chạy), con ngươi nỡ ra để ánh sáng vào mắt nhiều hơn, thấy rõ hơn trong đêm tối.

Nếu người bịnh bị rối loạn trong nhận thức và cảm thấy sự đe dọa không có thật, hoặc đe dọa nhỏ nhưng bị phóng đại quá mức, cảm thấy đang xảy đến hoặc có thể xảy đến cho mình một cách dai dẵng, người đó sẽ ở trong tình trạng stress mãn tính (kinh niên) và gây ra trường hợp mà y giới gọi là “rối loạn [do] lo âu”(anxiety disorders).

1) Thường gặp nhất là rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder). Về tâm lý, bịnh nhân thấy tinh thần căng thẳng, sợ sệt, khó tập trung, lo lắng. Về triệu chứng cơ thể (somatic complaints), một số lớn triệu chứng gây ra do bộ phận  giao cảm của thần kinh thực vật kích thích mãn tính nói ở trên: tim đập nhanh, hồi hộp thở nhanh, tay chân mồ hôi, khó ngủ, mệt mõi, khó sinh hoạt về tính dục. Ngoài ra còn sinh ra vòng lẫn quẩn: hồi hộp gây ra lo sợ đau tim, hồi hộp thêm, khó thở làm hoảng hốt, sợ chết, làm khó thở thêm.

Một trong những tiêu chuẩn định bịnh này là triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng, triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng 20-25 tuổi, nữ giới nhiều hơn nam giới một chút. Tuy nhiên người lớn tuổi cũng thường bị chứng rối loạn lo âu mà không được chẩn đoán, săn sóc.

2) Một số biểu hiện khác thường gặp của chứng rối loạn lo âu là:

• những cơn khủng hoảng lo sợ với những triệu chứng dữ dội như đau, tức ngực, ngộp thở (panic attacks)
• bịnh nhân thường đi khai bịnh với bs gia đình, hoặc nhiều bs nhưng vì tìm không ra bịnh gì rõ rệt, có thể bs cho rằng bịnh nhân mắc chứng bịnh tưởng tượng (hypochondriacal), xua đuổi bịnh nhân, lại làm bịnh nhân nản chí thêm và có thể gây chứng trầm cảm, tự chữa lấy bằng thuốc men hoặc rượu.
• sợ đến chỗ trống trải hoặc đông người (agarophobia), chỉ thích ở nhà, tránh phải nói chuyện với đám đông,
• sợ người ta nhìn mình, thấy mình ngớ ngẫn, phải xấu hổ (social phobia).

Định bịnh:

Nếu các triệu chứng làm sinh hoạt hàng ngày của bịnh nhân bị trở ngại, bịnh nhân cần cần đi khám bác sĩ gia đình để xem có nguyên do bịnh lý nào gây ra các triệu chứng này không (như cường tuyến giáp, đau bụng vì viêm bao tử, đau tim thật sự). Nếu cần phải nhờ đến bs tâm thần (psychiatrist) hay chuyên gia tâm lý lâm sàn (clinical psychologist) để định bịnh rối loạn lo âu và săn sóc, chữa trị nếu bác sĩ gia đình cảm thấy không thoải mái để giải quyết nhu cầu của bịnh nhân.

Chữa trị thuốc men:

Bs có thể dùng thuốc an thần giúp bịnh nhân bớt lo âu (antianxiety agents), giúp dễ ngủ (hypnotic agents). Bịnh nhân cần cẩn thận với liều lượng thuốc (vd loại benzodiazepin, thuốc an thần) của bs cho mình uống,vì dễ xảy ra các phản ứng phụ như kích thích quá độ, ức chế hô hấp, quá liều có thể làm mê man, chết người, ngưng thuốc đột ngột có thể làm co giật, điên loạn psychosis), mê man, chết. Các thuốc benzodiazepine cũng ảnh hưởng qua lại (interaction) đến một số thuốc thuờng dùng như isoniazid, rifampin (trị lao), digoxin (trợ tim), levodopa (thuốc trị Parkinson), cimetidine/Tagamet (trị đau bao tử). Nhất là người già thường phải uống nhiều thứ thuốc để chữa nhiều bịnh khác nhau nên lại càng phải cho bs biết những thuốc mình đang uống và theo dõi kỹ lưởng.

Một trong những thuốc bs có thể dùng lâu dài trị rối loạn do lo âu là thuốc chống trầm cảm, để tăng các chất truyền dẫn thần kinh [ neuro-transmitters] (serotonin, norepinephrin) trong não bộ vì nguồn gốc của bịnh nằm trong não bộ. Thường sau 2-4 tuần mới thấy hiệu nghiệm, cho nên phải hỏi bs cho kỹ, không được ngưng thuốc quá sớm hoặc đột ngột vì chưa thấy kết quả.

Một số thuốc như propanolol có thể ngăn chặn bớt các triệu chứng do kích thích thần kinh giao cảm như tim đập nhanh, hồi hộp,..

Ngoài ra bịnh nhân có thể chữa trị bằng tâm lý trị liệu, bằng cách sinh hoạt các nhóm người cùng bịnh, hoặc được sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo tôn giáo, thiền, tai chi.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 848 guests