Trung Quốc muốn lợi dụng chia rẽ Mỹ-EU để lôi kéo EU

PostTue Jul 03, 2018 4:58 pm

VOA - Economy


Trung Quốc đang gây áp lực lên Liên minh châu Âu để ra một tuyên bố chung mạnh mẽ chống lại các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này nhưng đã gặp phải sự chống đối, các quan chức châu Âu cho biết.


Trong các cuộc gặp ở Brussels, Berlin và Bắc Kinh, các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có phó Thủ tướng Lưu Hà và nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị, đã đề xuất hình thành một liên minh giữa Trung Quốc - EU và đề nghị sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc nhiều hơn nữa như là một cử chỉ thiện chí.


Một trong số các đề xuất là Trung Quốc và EU sẽ có hành động chung đối chọi lại với Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).


Tuy nhiên, Liên minh châu Âu, khối giao thương lớn nhất thế giới, đã bác bỏ ý tưởng liên minh với Bắc Kinh chống lại Washington, năm quan chức và nhà ngoại giao EU nói với Reuters trước thềm cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Âu ở Bắc Kinh vào ngày 16-17/7.


Thay vào đó, hội nghị thượng đỉnh này dự kiến sẽ đưa ra một thông cáo chung khiêm tốn khẳng định cam kết của hai bên đối với hệ thống thương mại đa phương và hứa hẹn sẽ thành lập một nhóm công tác về việc hiện đại hóa WTO, các quan chức EU cho biết.


Phó Thủ tướng Lưu Hà đã nói riêng với các quan chức châu Âu rằng Trung Quốc đã sẵn sàng lần đầu tiên xác định các ngành mà họ có thể mở cửa cho châu Âu đầu tư tại cuộc họp thượng đỉnh hàng năm dự định sẽ có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức lãnh đạo của EU.


Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã truyền đi thông điệp rằng Liên minh châu Âu đứng về phía Trung Quốc, khiến cho khối này ở trong một tình thế nhạy cảm. Hai hội nghị thượng đỉnh trước đó trong các năm 2016 và 2017 đã kết thúc mà không có tuyên bố chung do bất đồng về Biển Đông và thương mại.


“Trung Quốc muốn Liên minh châu Âu đứng về phía Bắc Kinh chống lại Washington, tức là phải đi theo một bên,” một nhà ngoại giao châu Âu cho biết. “Chúng tôi sẽ không làm điều đó và chúng tôi đã nói với họ như vậy.”


Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters về mục tiêu trong cuộc họp thượng đỉnh của Bắc Kinh.


Mặc dù chính quyền Trump áp đặt thuế lên nhôm và thép xuất khẩu của châu Âu và đe dọa đánh thuế ngành công nghiệp ô tô của châu lục này, Brussels chia sẻ với Washington mối quan ngại về thị trường khép kín của Trung Quốc và điều mà các chính phủ phương Tây cho rằng Bắc Kinh lợi dụng thương mại để chi phối thị trường toàn cầu.


“Chúng tôi đồng ý với hầu hết những than phiền của Mỹ đối với Trung Quốc, chỉ là chúng tôi không đồng ý với cách làm của Mỹ,” một nhà ngoại giao khác nói.


Tuy nhiên, lập trường của Bắc Kinh là bất ngờ do mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ giữa Washington và các quốc gia châu Âu. Nó cho thấy mức độ quan ngại của Bắc Kinh về một cuộc chiến thương mại với Washington vào lúc Tổng thống Trump sắp sửa áp thuế lên hàng tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào ngày 6/7.


Nó cũng cho thấy sự táo bạo của Bắc Kinh trong việc tranh thủ thời cơ giành quyền lãnh đạo thế giới giữa những chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, Canada và Nhật Bản về thương mại, biến đổi khí hậu và chính sách đối ngoại.


“Tổng thống Trump đã gây chia rẽ phương Tây và Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng điều này. Họ không bao giờ cảm thấy dễ chịu với phương Tây là một khối,” một quan chức châu Âu có liên quan trong quan hệ ngoại giao EU-Trung Quốc cho biết.


“Trung Quốc giờ đây cảm thấy họ có thể tách Liên minh châu Âu trên nhiều vấn đề: thương mại và nhân quyền,” quan chức này nói thêm.


Một quan chức khác mô tả mối bất hòa giữa ông Trump và các đồng minh phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng trước ở Canada là món quà ông Trump trao cho Bắc Kinh bởi vì nó cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ đã đánh mất mối quan hệ đồng minh lâu năm, ít nhất là trên vấn đề thương mại.


Các đại sứ châu Âu cho biết họ đã cảm nhận được sự gấp gáp ở Trung Quốc trong năm 2017 để tìm kiếm những quốc gia có cùng suy nghĩ và sẵn sàng đứng lên chống lại các chính sách ‘Nước Mỹ trước hết’ của ông Trump.


Một báo cáo của Tập đoàn Rhodium có trụ sở ở New York, một tập đoàn tư vấn nghiên cứu, hồi tháng Tư cho biết những hạn chế đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đều cao hơn EU trong hầu hết các khu vực kinh tế ngoại trừ bất động sản trong khi những vụ thâu tóm lớn của các công ty Trung Quốc ở EU lại không thể xảy ra đối với các công ty của EU ở Trung Quốc.


Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mở cửa cho EU. Nhưng các quan chức EU nghĩ rằng bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh sẽ mang tính biểu tượng hơn là thực chất.


Họ nói rằng quyết định của Trung Quốc hồi tháng Năm là giảm thuế lên xe hơi nhập khẩu sẽ không có khác biệt gì nhiều vì xe nhập khẩu chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường của họ. Kế hoạch của Bắc Kinh muốn tiến nhanh về ngành công nghiệp xe điện có nghĩa là bất cứ những lợi ích mới nào mà họ cho các nhà sản xuất xe hơi truyền thống của châu Âu sẽ nhanh chóng biến mất.


Tuy nhiên, đề xuất mở cửa thị trường cho châu Âu của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới phản ánh lo ngại của Bắc Kinh rằng họ sẽ đối mặt với kiểm soát chặt chẽ hơn của EU và các nhà quản lý đang ngăn chặn những nỗ lực thâu tóm của Trung Quốc trên đất Mỹ.


Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách thông qua các đạo luật cho phép rà soát kỹ lưỡng đầu tư nước ngoài.


“Chúng tôi vẫn chưa biết liệu lời đề xuất này là có thật hay không,” một nhà ngoại giao giấu tên của EU được Reuters dẫn lời nói. “Không có khả năng nó sẽ dẫn đến thay đổi có hệ thống.”

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 822 guests

cron