Hàng loạt sự cố liên quan đến du khách Trung Quốc đến Việt Nam khiến tranh chấp chủ quyền Biển Đông tiếp tục là trọng tâm chú ý, bất chấp các nỗ lực của chính phủ hai nước tìm cải thiện quan hệ.
Tuần trước, nhóm 14 du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa trên người mặc áo phông in bản đồ với đường lưỡi bò mà Việt Nam cho là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam” đã gây phẫn nộ trong công chúng, theo truyền thông trong nước. Nhóm du khách đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường.
Đây ít nhất là lần thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc ở Việt Nam trong vòng hai năm qua. Các chuyên gia nhận định rằng những diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng quyền lực mềm để nhắc nhở Việt Nam về tranh chấp Biển Đông, còn Việt Nam thì vẫn tiếp tục phẫn nộ.
Ông Trung Nguyen, trưởng khoa quan hệ quốc tế của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Nếu nhìn vào một bức tranh lớn hơn, thì có thể thấy rằng Trung Quốc có lẽ đang gia tăng sử dụng thường dân như là một phương cách để mở rộng tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông, từ việc sử dụng ngư quân cho đến du khách.”
Hàng loạt sự cố
Trung Quốc và Việt Nam không còn tin tưởng nhau sau cuộc chiến tranh biên giới cuối thập niên 1970. Hai nước lâu nay luôn tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giàu hải sản và dầu khí. Bắc Kinh có lực lượng quân sự hùng mạnh hơn nhiều và đã quân sự hóa nhiều hải đảo trong khu vực có tranh chấp chủ quyền.
Năm 2016, chính quyền thành phố phố Đà Nẵng đã rút giấy phép một công ty du lịch vì công ty này đã tổ chức tour du lịch cho các du khách Trung Quốc đã mang tiền Việt Nam ra đốt – theo tin của báo mạng VnExpress.
Trong cùng năm đó, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam điều tra xem có phải các giới chức di trú Việt Nam đã viết những lời báng bổ lên hộ chiếu của một du khách Trung Quốc đến thăm thành phố Hồ Chí Minh hay không.
Truyền thông trong nước Việt Nam hồi năm 2016 đưa tin rằng các hướng dẫn viên Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc. Cơ quan di trú của Việt Nam nói nếu phát hiện bất cứ ai vi phạm sẽ trục xuất ngay lập tức.
Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang ở Singapore nói: "Bởi vì người dân ở những nước này được giáo dục về những truyền thống dân tộc khác nhau, và do đó tất nhiên họ cho rằng lãnh thổ, lãnh hải có chủ quyền tranh chấp hiển nhiên thuộc về đất nước của họ, và tất cả những người khác đều là những kẻ xâm chiếm và cần phải đánh đuổi chúng đi.”
Chiến tranh tuyên truyền
Ông Alan Chong, giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế Trường S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định rằng Trung Quốc lâu nay luôn khuyến khích người dân nước họ đề cao chính sách đối ngoại của Bắc Kinh khi ra nước ngoài và đặc biệt là “chỉnh sửa những ấn tượng sai lệch của thế giới” về Trung Quốc.
Giáo sư Chong nói: “Tất cả những hành động cá nhân của những người Trung Quốc được xem như thuộc chiến dịch tuyên truyền. Tất cả đều có trong lịch sử của họ.”
Việt Nam xem chuyện áo phông in bản đồ có đường lưỡi bò cũng trên tinh thần đó. Trang tin quốc tế của VnExpress trích lời chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam gọi đó là “hành vi có tổ chức, có sắp xếp, mang ý đồ xấu chứ không phải vô tình” của các du khách Trung Quốc
Khoảng 4 triệu du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam năm ngoái, tăng 49% so với năm 2016, theo Tân Hoa Xã.
Cấp chính phủ vẫn giữ im lặng
Giới chức của hai chính phủ vẫn tìm cách giữa hòa hoãn với nhau cho dù các du khác mang chuyện tranh chấp chủ quyền chưa giải quyết này ra.
Trung Quốc và Việt Nam tổ chức các cuộc đối thoại quốc phòng, trao đổi thăm viếng cấp nhà nước và gặp gỡ nhau giữa hai đảng thường xuyên kể từ năm 2014 – là năm mà tàu thuyền hai bên đã đụng nhau trong khi Trung Quốc cho phép một giàn khoan dầu khoan thăm dò trong Biển Đông nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Người dân Việt Nam đã mạnh mẽ nổi lên biểu tình phản đối.
Hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” đã có những cuộc đụng độ đẫm máu trên biển vào năm 1974 và 1988.
Các giới chức ở Bắc Kinh xem Việt Nam là cầu nối thương mại chính vào Ðông Nam Á, theo nhận định của ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của tổ chức Mekong Economics ở Hà Nội. Cầu nối đó là một phần của Sáng kiến Vành đai –Con đường với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các tuyến đường thương mại nối 65 nước của Trung Quốc.
Việt Nam thì xem Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và du lịch Trung Quốc nuôi sống ngành dịch vụ này của Việt Nam.
Kinh tế gia McCarty nói: “Tôi cho rằng Việt Nam không muốn gây thù chuốc oán vô lý với Trung Quốc. Vẫn còn nhiều người ở cả hai bên với tinh thần dân tộc mạnh mẽ tìm cách đẩy những vấn đề như áo phông in hình lưỡi bò lên, nhưng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ không xem đó là hành vi gây hấn.”
Chính phủ Việt Nam sẽ tim cách “tách” vấn đề áo phông ra để tránh làm hại đến quan hệ song phương – Giáo sư Nguyen nhận định.