TT Trump ký dự luật ngân sách duy trì hoạt động chính phủ

PostFri Feb 09, 2018 9:08 am

VOA - Arts and Entertainment


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Sáu 9/2 ký thành luật một dự luật chấm dứt một vụ đóng cửa chính phủ từng phần ngắn ngủi, đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng và chi tiêu nội địa lên hàng trăm nghìn tỉ đôla.


Ông viết trên Twitter:“Mới ký dự luật xong”. “Quân đội của chúng ta giờ sẽ hùng mạnh hơn bao giờ hết. Chúng ta yêu quân đội của chúng ta và cho họ tất cả- và hơn thế nữa. Lần đầu điều này xảy ra kể từ rất lâu. Điều này cũng có nghĩa là có thêm VIỆC LÀM, VIỆC LÀM, VIỆC LÀM!”


Ông Trump ký dự luật ngân sách 400 nghìn tỉ đôla vài giờ sau khi Hạ viện thông qua dự luật này vào sáng sớm thứ Sáu.


Các nhà lập pháp biểu quyết với 240 phiếu thuận - 186 phiếu chống để thông qua thỏa thuận sau đó được đưa lên Tổng thống Donald Trump ký. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động cho tới ngày 23 tháng Ba. Các nhà làm luật có tới ngày đó để soạn thảo một kế hoạch chi tiêu chi tiết cho phân còn lại của năm tài chánh sẽ chấm dứt vào ngày 30 tháng 9.


Ngân sách được thông qua bất chấp sự phản đối của một số chính khách chống lại các khoản tăng chi tiêu lớn, mà không bao gồm một kế hoạch hành động để bảo vệ hơn một triệu di dân đã tới Hoa Kỳ từ hồi còn bé mà không có giấy tờ hợp lệ, vốn được gọi là "dreamers".


Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa sau nửa đêm thứ sáu khi Quốc hội không đạt được thỏa thuận trước hạn chót để gia hạn ngân sách của chính phủ liên bang. Vụ đóng cửa vào đêm Thứ sáu là lần thứ nhì chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa một phần trong vòng chưa đầy một tháng.


Sau đó, Thượng viện bầu với 71 phiếu thuận-28 phiếu chống để mở lại chính phủ liên bang.


Hôm thứ Năm, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa duy nhất đã dàn xếp một dự luật lưỡng đảng để duy trì hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ vài giờ trước khi các quỹ của liên bang hết hạn.



Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky phản đối việc tiến hành cuộc biểu quyết tại Thượng viện để đạt thỏa thuận ngân sách hai năm sẽ tăng chi tiêu quân sự và các chi tiêu ở trong nước lên hàng trăm tỷ đô la, nói rằng ngân sách này sẽ khiến mức thâm hụt ngân sách của Mỹ vốn đang tăng, lại càng nhảy vọt, đẩy cao món nợ quốc gia lên hơn 20 nghìn tỷ đô la.


"Tôi không thể, với tất cả sự trung thực và thiện chí của mình, ngoảnh mặt làm ngơ trước tình huống đó", Thượng nghị sĩ Rand Paul nói trong một bài diễn văn dài dòng, ngốn đi phần thời gian còn lại để Quốc hội hành động hầu ngăn chặn việc đóng cửa các hoạt động không thiết yếu của chính phủ liên bang.


Sự phản đối của ông Rand Paul vấp phải phản ứng giận dữ của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc Đảng Cộng hoà, đại diện cho bang South Carolina. Ông Graham nói quân đội Hoa Kỳ đang rất cần tới những khoản tiền bổ sung sau nhiều năm ngân sách bị giới hạn dưới một mức trần, và sự thể này đã có tác dụng hạn chế các chương trình của cả Lầu năm góc lẫn các chương trình nội địa.


Dự luật được sự ủng hộ của Lưỡng Đảng


Được thương thuyết giữa các lãnh đạo của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Thượng viện, dự luật cấp ngân sách cho chính phủ liên bang dường như được sự ủng hộ rộng rãi của hai đảng để có thể được thông qua tại lưỡng viện Quốc hội.


Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn của bang Texas nói:


"Thỏa thuận này đảm bảo các lực lượng vũ trang của chúng ta rốt cuộc sẽ có được những nguồn lực cần thiết. Dự luật tài trợ sẽ hỗ trợ các cựu chiến binh của chúng ta, những quân nhân cũng như gia đình của họ, và ngoài ra, dự luật sẽ dọn đường cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng của quốc gia."



Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, đại diện bang New York, tuyên bố:


"Đó là một thỏa thuận tốt đẹp. Và đó là một tín hiệu mạnh mẽ rằng chúng ta có thể phá vỡ thế bế tắc đã đã bao trùm quốc hội bấy lâu, để làm việc với nhau vì lợi ích chung của đất nước".


Tại cuộc họp báo hàng ngày, Phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Raj Shah nói:


"Chúng tôi ủng hộ dự luật chi tiêu hai năm. Dự luật này tháo gỡ các mức trần đối với chi tiêu quốc phòng, là điều mà Bộ trưởng Quốc phòng và các tướng lãnh nói với tổng thống, rằng họ cần đảm bảo việc xây dựng lại quân đội của chúng ta và bảo vệ an ninh quốc gia."


Thỏa thuận ngân sách này bị chống đối từ các thành viên ở cả hai cực của ý thức hệ tại Quốc hội, nhưng thành phần chống đối không đủ túc số để đe dọa tiến trình biểu quyết. Một số thành viên của cánh bảo thủ trong đảng Cộng hòa đả kích phần chi tiêu bổ phụ trội, nói rằng làm như vậy chẳng khác nào là đầu hàng, đưa đất nước tới tình trạng “điên rồ về tài chính”.


Mặt khác, một số thành viên cấp tiến trong Đảng Dân chủ thì phản đối vì thoả thuận này không bao gồm bất kỳ biện pháp nào để chấm dứt mối đe đọa bị trục xuất đối với hàng trăm nghìn người nhập cư vào Mỹ không có giấy tờ hợp lệ từ lúc còn bé.


Dân biểu Đảng Dân chủ Luis Gutierrez của bang Illinois nói:


“Họ sống và làm việc ở đây, cùng chia sẻ đất nước này với chúng ta. Ngay trong lúc này, chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ họ khỏi bị trục xuất, hãy hoàn thành trách nhiệm đó, hãy biểu quyết chống ngân sách này”.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1350 guests

cron