Trước thềm Đại hội Đảng, báo đài Trung Quốc tôn vinh Tập Cận

PostWed Oct 18, 2017 9:06 am

VOA - Economy


Các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng loạt đăng các bài xã luận trước thềm Đại hội Đảng trong đó nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình – một chỉ dấu cho thấy ông Tập sẽ củng cố hơn nữa quyền lực - trong khi truyền thông quốc tế nhận định ông Tập sẽ trở thành lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thế hệ.


Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 19 vào Thứ Tư ngày 18/10. Tại Đại hội này, ông Tập sẽ được bầu vào vị trí Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Đại hội cũng bầu các ủy viên mới vào Thường vụ Bộ Chính trị, cao quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay cho năm ủy viên đến tuổi nghỉ hưu.


Đại hội dự kiến sẽ sửa đổi Điều lệ Đảng để đưa vào học thuyết mang tên Tập Cận Bình. Nếu điều này trở thành hiện thực, ông Tập sẽ đưa vị thế của mình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình – những lãnh tụ của Đảng được tôn vinh với tư tưởng và lý luận được ghi vào Điều lệ Đảng.


Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường gần như chắc chắn sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Vương Kỳ Sơn, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, theo suy đoán sẽ được giữ lại trong Thường vụ Bộ Chính trị, mặc dù ông đã đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, kể từ sau thời Đặng Tiểu Bình, không có ai ở Trung Quốc vượt qua được giới hạn về tuổi tác.


Thành phần mới của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ hé lộ ai sẽ là nhân vật chủ chốt trong thế hệ lãnh đạo thứ Sáu, sẽ thay hai ông Tập-Lý lên lãnh đạo Trung Quốc tại Đại hội Đảng lần sau vào năm 2022.


Trong bài xã luận dưới tiêu đề: “Mở ra phương trời mới cho Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết rằng Trung Quốc đã đạt được “những kết quả quan trọng mang tính lịch sử trong cải cách mở cửa và trong hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” trong vòng năm năm qua là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Chủ tịch Tập Cận Bình là hạt nhân.


Tờ báo này cũng cho rằng nhờ vào chiến lược “Bốn Toàn diện” mà kinh tế, khoa học, kỹ thuật và quốc phòng của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong năm năm qua. Nhờ đó mà sức mạnh quốc gia tổng thể, ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc không ngừng lớn mạnh.


“Bốn Toàn diện” chính là học thuyết do chính ông Tập đưa ra và nhiều khả năng sẽ được ghi vào Điều lệ Đảng tại Đại hội lần này để ghi nhận di sản của ông Tập. Trước đây những người tiền nhiệm của ông Tập là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đưa các học thuyết “Ba đại diện” và “Phát triển khoa học” vào Điều lệ Đảng nhưng không được nêu tên như Tư tưởng Mao Trạch Đông hay Lý luận Đặng Tiểu Bình.


“Bốn Toàn diện” bao gồm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách kinh tế-xã hội sâu sắc toàn diện, xây dựng một nền pháp trị toàn diện và thực hiện kỷ luật Đảng một cách toàn diện.


Học thuyết của ông Tập đã được Nhân dân nhật báo ca ngợi:


“Đặc biệt, các bài diễn văn, ý tưởng, tư tưởng và chiến lược mới của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Tập Cận Bình đã thúc đẩy nhận thức của Đảng về quản trị, xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển xã hội lên một tầm cao mới và đã xây dựng một hệ thống lý thuyết khoa học toàn diện.”


“Đó cũng là thành tựu mới nhất trên con đường điều chỉnh Chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Trung Quốc và xây dựng một chân trời mới của Chủ nghĩa Mác trong xã hội Trung Quốc hiện đại.”


Tờ báo này cho rằng Trung Quốc “đang tiến gần đến mục tiêu sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa hơn bao giờ hết và đang có đầy đủ tự tin và khả năng để thực hiện giấc mơ đó.”


Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo ca ngợi vai trò của ông Tập đối với sự phát triển của Giải phóng Quân Trung Quốc PLA.


Trong bài xã luận có tiêu đề “Những thành tích của quân đội Trung Quốc có lợi cho lợi ích quốc gia và trật tự quốc tế”, Hoàn cầu Thời báo cho rằng quân đội Trung Quốc “đã có tiến bộ phi thường” trong năm năm qua dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.


“Quân ủy Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo đã trước sau như một thúc đẩy cải cách quân đội theo nguyên tắc pháp trị và gắn kết quân đội-dân sự,” tờ báo này viết.


Hoàn cầu Thời báo nêu lên một loạt thành tựu của Quân đội Trung Quốc nhờ sự lãnh đạo của ông Tập, như chống tham nhũng trong quân đội một cách không khoan nhượng, với việc trừng trị hơn 100 sĩ quan cao cấp, kể cả các phó chủ tịch Quân ủy như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng; cải tổ bốn tổng cục, sắp xếp bảy quân khu thành các quân khu Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm, cũng như đẩy mạnh sự tìm tòi sáng tạo trong công nghệ quốc phòng.


Tờ Daily Telegraph của Anh nhận định rằng tại Đại hội này, ông Tập sẽ củng cố quyền lực của mình để trở thành “lãnh đạo uy quyền nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông”.


“Sau năm năm thanh trừng các đối thủ chính trị, bóp nghẹt những lời chỉ trích và tạo dựng được sự ủng hộ của dân chúng đối với chiến dịch chống tham nhũng và phục hưng Trung Quốc, ông Tập đang ở một vị thế vững chắc để chủ trì việc sắp xếp nhân sự mới của Đảng, và đưa vào những người trung thành với ông ấy,” tờ báo này nhận định.


“Chủ tịch Trung Quốc cũng phải đưa ra kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai dựa trên mục tiêu lớn của ông Tập là đảm bảo chính trị ổn định và kinh tế thịnh vượng ở trong nước và đưa Trung Quốc lên địa vị siêu cường trên trường quốc tế.”


Tờ báo này cũng cho rằng hiện chưa rõ ông Tập có tiếp tục nắm quyền sau năm 2022 hay không. Chỉ dấu về việc này là liệu Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới sẽ có những gương mặt được dự định sẽ kế vị ông Tập hay không và liệu ông Vương Kỳ Sơn, một đồng minh thân cận của ông Tập, có phá vỡ quy định về tuổi tác để ở lại hay không.


“Đại hội lần này sẽ bị ông Tập và học thuyết của ông Tập bao trùm,” ông Kerry Brown, một nhà cựu ngoại giao của Anh từng làm việc ở Trung Quốc, được Daily Telegraph dẫn lời nói.


Tờ báo này cũng cho rằng ông Tập cũng đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng Trung Quốc nhờ ông thúc đẩy các mục tiêu tinh thần dân tộc và thực thi mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng.


Vũ Tiểu Minh, một thương gia ở Bắc Kinh, được dẫn lời nói rằng ông “khâm phục ông Tập” vị đã giúp “nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế”.


“Trung Quốc cần một lãnh đạo mạnh mẽ. Không thể có một nền dân chủ toàn diện ở Trung Quốc bởi vì dân số của chúng tôi quá đông,” thương gia này nói.


Ông Hồ Giai, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Trung Quốc thì cho rằng ông Tập Cận Bình giống như một vị “hoàng đế của Trung Quốc”.


“Tập thậm chí còn quyền lực hơn cả Putin, nên tôi sẽ không thấy ngạc nhiên nếu ông ấy nắm quyền thêm 10 năm nữa,” ông Hồ được Daily Telegraph dẫn lời nói.


Hãng tin Reuters thì nhận định rằng ở Trung Quốc đang có một thế hệ có thể được gọi là “thế hệ phục tùng”, không quan tâm đến chính trị mà chỉ lo việc riêng tư.


“Họ lớn lên trong sự ổn định và cuộc sống tương đối thoải mái, cộng với lúc nào cũng nghe tuyên truyền nên họ có tinh thần yêu nước sâu sắc,” hãng tin này viết.


Cô Đàm Lệ Quyên, một nhà tư vấn quản lý tài sản cao cấp, bày tỏ sự tin tưởng đối với ông Tập, người được gọi thân mật là “Tập Đại đại” có nghĩa là “Bác Tập”.


“Tôi hiểu Tập Đại đại. Ông ấy quản lý đất nước bằng cái nhìn tổng thể. Những người dân nhỏ nhoi của chúng tôi chỉ nên phục tùng... Tôi có thể chấp nhận được.”


“Ông ấy đã đạt được một số thành tựu và lợi thế trên mặt trận chính trị, chẳng hạn chúng tôi đã trở nên mạnh hơn trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước ở nước ngoài. Hiện giờ nếu ra nước ngoài, chúng tôi có thể cảm nhận rõ ràng sự tôn trọng mà các nước khác dành cho Trung Quốc. Đó là khởi đầu tốt. Khi đất nước mạnh thì người dân sẽ mạnh,” cô Đàm được dẫn lời nói.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 824 guests

cron