Hỏi đáp Y học: Chứng khớp ngón tay co rút buổi sáng

PostTue Mar 21, 2017 11:52 am

VOA - Health


Thính giả Trần Quốc Hưng ở Louisiana, Mỹ, hỏi về “chứng khớp ngón tay co rút buổi sáng.”




Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:


Chứng khớp ngón tay co rút buổi sáng (Finger rigidity in the morning)


Tôi xin trả lời câu hỏi của ông Trần Quốc Hưng ở Louisiana về chứng các ngón tay co lúc ngủ dậy. Như mọi khi, xin nhắc lại là các nhận xét này chỉ có tính cách thông tin tổng quát mà thôi, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ của mình.


Tay bị cóng, cứng lúc ngủ dậy có thể làm trở ngại sinh hoạt thường ngày như chải răng, rửa mặt, cài nút áo, pha cà phê. Bàn về chứng khớp xương ngón tay co rút, hay cứng (stiffness) lúc buổi sáng, chúng ta có thể nghĩ đến nhiều bệnh khác nhau:


1) Bệnh thấp khớp mãn tính (rheumatoid arthritis): thường khớp cứng nhiều lúc buổi sáng, nhất là kèm theo triệu chứng đau, và giảm từ từ lúc mình vận động nhiều hơn, các khớp xương nhỏ ở bàn tay, bàn chân, cổ tay, cổ chân bị nhiều hơn. Nguyên nhân do một hiện tượng tự miễn nhiễm (autoimmune), cơ thể sinh ra những kháng thể chống lại tế bào của khớp làm màng hoạt mạc viêm (inflammation of the synovial membrane) và hư hại khớp. Bệnh này gây ra do yếu tố di truyền cũng như yếu tố môi trường, nhất là hút thuốc lá. Không chỉ tác dụng trên khớp mà toàn thân, kể cả máu, tim và phổi.


2) Viêm xương khớp (osteo-arthritis) là một hiện tượng thoái hoá của khớp xương, nói một cách khác, sụn đầu các xương nằm trong khớp mòn đi mà không được thay thế, các màng hoạt mạc lót trong khớp bị viêm, hao mòn, và nước hoạt mạc giảm (như dầu trong cỗ máy bị cũ), các cơ teo lại, bớt dẻo dai, làm cho khớp không hoạt động trơn tru nữa. Cũng thường gặp ở các khớp bàn tay, bàn chân, khớp háng và khớp xương sống; thường kèm theo triệu chứng đau nếu đè lên khớp xương, cảm giác kêu rột rạt lúc cử động. Cơn đau cũng xảy ra lúc mới dậy buổi sáng, hay bất động thời gian lâu, giảm bớt sau khi vận động, đi lại trong ngày.


3) Thương tích do dùng tay quá nhiều (repetitive stress injury, overuse injury): như thể dục thể thao quá mức (ski, golf, tennis); đàn, dùng phím máy tính quá nhiều; chơi game điện tử; nghề nghiệp (nhồi bánh, ráp máy).


4) Có nhiều lý do khác, nói chung những nguyên nhân nào gây thương tích cho các khớp, bắp cơ, dây thần kinh bàn tay và cẳng tay, hay ảnh hưởng đến các mạch máu nuôi dưỡng bàn tay. Khám bác sĩ, sẽ duyệt qua bệnh sử về những hoạt động nghề nghiệp, thường nhật của bệnh nhân cũng như khám xem tình trạng sức khoẻ tổng quát, nếu cần thử máu, chụp hình để định bệnh chính xác.


Ở đây chúng ta không biết tuổi cũng như tình trạng sức khoẻ của người hỏi. Tuy nhiên những biện pháp sau đây có thể có ích:


1) Nhúng tay vào nước ấm: tập co duỗi các ngón tay, lắc các ngón, massage từng ngón suốt chiều dài của nó.


2) Tập cử động bàn tay: vd: "walk your fingers". Đặt bàn tay lên mặt bàn, các ngón sát nhau; xoè ngón cái riêng ra, rồi đem các ngón khác lần lượt về phía ngón cái, lặp đi lặp lại nhiều lần. Có thể tập co duỗi các ngón tay dùng trái banh cao su mềm, đất sét trị liệu (therapeutic putty). Chụp nhanh góc tờ giấy báo, nhồi, bóp thành một trái banh trong lòng bàn tay, thả ra, xoè các ngón tay. Tập qua bằng bàn tay kia.


3) Ngủ nơi ấm áp, tránh chỗ gió, làm nhiệt độ bàn tay xuống thấp. Vị thính giả mang găng tay làm nhiệt độ vùng tay ấm hơn lúc ngủ, có thể làm cho giảm hiện tượng viêm, bớt cứng khớp.


4) Tập các ngón tay, massage, ngâm nước nóng trước khi đi ngủ có thể làm bớt triệu chứng lúc ngủ dậy.


5) Tránh những cử động dùng bàn tay, cổ tay quá nhiều, ngừng dùng bàn tay nếu thấy đau lúc thể thao, đánh đàn, viết bằng computer; những máy móc làm rung chuyển bàn tay (như máy khoan xi măng).


Chúc bệnh nhân may mắn.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


----------------------------------


Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.


Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com.


Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 815 guests

cron