Hà Nội đình chỉ việc xây dựng trên đất có tranh chấp với Dòn

PostFri Jul 29, 2016 8:29 am

VOA - Economy


Chiều 28/7, chính quyền địa phương của một phường ở Hà Nội đã yêu cầu một phụ nữ dừng xây dựng tại một khu đất có tranh chấp với Dòng Thánh Phaolô.


Theo thông tin từ Hội Dòng, vụ việc tranh chấp cơ bản tập trung vào mảnh đất rộng chừng 200m2 ở số 5 phố Quang Trung. Hiện nay, một phụ nữ có tên là Trần Hương Ly được coi là chủ sở hữu mảnh đất. Bà Ly có giấy chứng nhận sử dụng đất do nhà nước cấp, thường gọi là “sổ đỏ” và cả giấy phép xây dựng.


Trong hơn một tháng nay, khi có dấu hiệu bà Ly sẽ xây dựng công trình cá nhân ở mảnh đất ở số 5 Quang Trung, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đã phải làm công việc chẳng đặng đừng là cầu nguyện hàng ngày tại địa điểm để ngăn chặn.


Hành động của các nữ tu đã dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm hôm 27/7 đã thông báo với Dòng Thánh Phaolô chấp nhận “thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu” mặc dù trước đó các quan chức UBND quận đã hứa sẽ ra quyết định đình chỉ việc chủ đầu tư là bà Ly “thi công bất hợp pháp” ở số 5 Quang Trung.


Không thỏa mãn với thông báo của UBND Hoàn Kiếm, ngày 28/7, các nữ tu đã trở lại khu đất để cầu nguyện nhằm phản đối chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu phía chính quyền chỉ đạo những người đang thi công bất hợp pháp phải dừng lại.


Dù trời Hà Nội còn mưa gió vì ảnh hưởng của bão, các nữ tu và bà con giáo dân đã đọc kinh cầu nguyện, hát thánh ca trước trụ sở UBND quận. Trước sự cương quyết đó, UBND Quận Hoàn Kiếm đã phải chỉ đạo cho cấp dưới là UBND Phường Trần Hưng Đạo ra thông báo yêu cầu bà Trần Hương Ly phải dừng việc thi công trên mảnh đất số 5 Quang Trung, Hoàn Kiếm. Sau khi có quyết định đình chỉ việc thi công, các nữ tu và bà con giáo dân đã ra về.


Đánh giá về quyết định đình chỉ, nữ tu Cecilia Phạm Dương Quỳnh thuộc Dòng Thánh Phaolô nói với VOA:


“Đây chỉ là bước đầu thôi, gọi là tạm dừng. Trong thời gian chờ đợi, các soeur vẫn đợi một cái quyết định đình chỉ vĩnh viễn, và thu hồi cái giấy phép xây dựng trái phép này và cái sổ đỏ trái phép để trả lại quyền sở hữu hợp pháp của các soeur. Thì đấy mới là mong muốn của những người giáo dân cũng như quý soeur ạ”.


Về mặt lịch sử, mảnh đất tại số 5 phố Quang Trung, Hà Nội, thuộc sở hữu của Dòng Thánh Phaolô từ khoảng năm 1883. Mảnh đất này là một phần trong các tài sản và đất đai của Hội Dòng ở nơi có 3 con phố bao quanh, đó là các phố Hai Bà Trưng, Quang Trung và Lý Thường Kiệt.


Dòng Thánh Phaolo Hà Nội đã được cấp bằng khoán điền thổ về khu đất rộng này vào năm 1949. Sau này, khi chính quyền thay đổi, tháng 12/1954 một cơ quan y tế của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê nhà của Hội Dòng và từ đó những nhà đất này đã không quay trở lại với chủ cũ.


Hội Dòng vẫn còn giữ các văn bản về quyền sở hữu, cho thuê bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.


Nhận định về quá trình đòi lại mảnh đất sẽ khó khăn hay không trong thời gian tới, nữ tu Cecilia Phạm Dương Quỳnh nói:


“Cái quyền sở hữu và giấy tờ của Nhà Dòng vẫn đang giữ đây và vẫn là hợp pháp, được cấp hợp pháp và vẫn còn nguyên thì nếu như mình cứ làm đúng theo luật và theo lương tâm của sự công bằng của một người trong xã hội thì chúng tôi nghĩ là sẽ trả lại bình thường thôi. Còn nếu mà mình làm không đúng pháp luật hoặc là mình làm sai cái lương tâm của sự công bằng thì sẽ trở thành khó khăn”.


Nữ tu nhấn mạnh rằng các giấy tờ cũng như tính sử dụng liên tục “là đầy đủ chứng cứ” trước pháp luật để Dòng Thánh Phaolô “bảo đảm quyền sở hữu” đối với khu vực có tranh chấp.


Vấn đề tranh chấp đất đai giữa phía chính quyền Việt Nam với các cơ sở tôn giáo rất phức tạp do lịch sử để lại.


Theo văn bản số 1940 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi tháng 12 năm 2008 sau các biến cố về tranh chấp đất đai tại Toà Nhà Khâm Sứ 42 Nhà Chung và Dòng Chúa Cứu Thế 178 Nguyễn Lương Bằng, chính phủ Việt Nam cấm việc chuyển đổi mục đích các cơ sở có nguồn gốc tôn giáo để tránh nổ ra những bất ổn xã hội.


Ngoài ra, theo văn bản vừa nêu, những nơi nào còn sử dụng cho mục đích xã hội như trường học, trạm y tế hay công sở thì vẫn tiếp tục duy trì. Những nơi nào không sử dụng được, nếu có thể trả lại cho các hội, nhóm tôn giáo ban đầu thì trả lại; nếu không trả lại, cần giữ nguyên trạng.


Tuy nhiên, theo các nữ tu, những gia đình ở số 5 phố Quang Trung, nơi Hội Dòng cho thuê đã biến thành khu tập thể của Bộ Y Tế và nay được chính quyền Hà Nội cấp sổ đỏ. Các nữ tu của Hội Dòng cho rằng, điều đó không những vi phạm quyền và lợi ích chính đáng và liên tục của họ với tư cách là những công dân, của một tổ chức, nó còn vi phạm pháp luật về đất đai của nhà nước Việt Nam cũng như vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 828 guests

cron