Các cuộc tuần hành ôn hòa vì biển xanh tại Việt Nam trong hai ngày chủ nhật liên tiếp đầu tháng 5 này đã bị nhuốm máu bởi võ lực đàn áp từ lực lượng được mệnh danh là bảo vệ trật tự đô thị.
Hình ảnh trẻ em, đàn bà, kể cả thai phụ, bị hành hung đổ máu lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội càng làm sôi sục sự căm phẫn trong công luận vốn đang trông chờ lời giải đáp về thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt từ các tỉnh Bắc Trung Bộ lan tỏa ra nhiều vùng miền khác trên cả nước.
Bạo lực trấn áp có tác động thế nào đến các cuộc biểu tình vì quyền dân sinh được xem là lớn nhất tại Việt Nam từ năm 1975 tới nay?
Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay sẽ mang đến các bạn tiếng nói và nguyện vọng của những người tham gia cả hai cuộc tuần hành ngày 1/5 và 8/5 tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, qua cuộc trao đổi với 3 bạn trẻ: Nguyễn Đình Hà và Trần Quang Nam từ Hà Nội cùng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Nha Trang.
Đàn áp không ngăn bước người biểu tình
Quang Nam: Trong cuộc tuần hành thứ nhất ngày 1/5, em rất bất ngờ khi thấy rất đông các bạn tập trung ở Nhà hát lớn và đã thực hiện một cuộc tuần hành khá tốt. Còn ngày 8/5, trước khi cuộc tuần hành diễn ra, em đã lượn xe một vòng qua khu vực đó và thấy bầu không khí rất ngột ngạt. An ninh chặn hỏi giấy tờ và chặn những người tình nghi sẽ đi biểu tình. Sau cuộc biểu tình kết thúc, họ đã bắt gần 100 người về các đồn khác nhau và tung lực lượng an ninh nhiều như thế chứng tỏ họ đã quyết định dập tắt.
Như Quỳnh: Tại Nha Trang, mọi người bắt đầu đi bộ từ đại lộ Phạm Văn Đồng để qua đường Trần Phú. Đi được khoảng 3km thì có hơn 100 người thuộc nhiều lực lượng tỏa ra để bắt, tống lên một chiếc xe. Những người quay phim, chụp hình cũng bị đưa về đồn. Mọi người bị giữ ở công an phường khoảng 3 tiếng, sau đó về công an tỉnh đến 4 giờ rưỡi chiều mới được thả ra. Lúc họ đẩy mọi người lên xe đã xảy ra xô xát và đánh người.
Quang Nam: Ở Hà Nội khi mọi người bắt đầu giơ biểu ngữ lên thì phía đường Cổ Tân giao với đường Tràng Tiền bắt đầu có người bị đưa lên xe thùng. Bị bủa vây, tụi em bắt đầu đi ra bờ hồ. Các lực lượng an ninh với các xe gắn loa hô hoán, dẹp người dân. Em nằm trong nhóm bị bắt lên xe đầu tiên, em bị đấm vào ngực và bị họ đập cùi chỏ vào đầu.
Trà Mi: Khi họ ra tay bắt người, có dấu hiệu nào gây rối xảy ra hay không hoặc các bạn có phản kháng thế nào không mà bị bắt?
Quang Nam: Không, không bất kỳ ai phản kháng, chưa ai làm gì hết, tự nhiên họ nhảy ra họ bắt luôn.
Đình Hà: Cũng giống như ở Nha Trang, tại Hà Nội có rất nhiều chỉ quay phim chụp ảnh các hành động của các nhân viên công vụ bắt người thì họ cũng bị bắt luôn, một cách rất thô bạo.
Trà Mi: Trước khi các bạn xuống đường, các bạn có dự liệu mọi chuyện sẽ diễn ra như thế?
Như Quỳnh: Đi bộ ra khỏi nhà hơn 100 mét mình đã nghĩ là sẽ có bắt bớ. Lần trước, họ đã khuyến cáo là không được đi.
Trà Mi: Biết trước như vậy và cũng đã được khuyến cáo nhưng vì sao chị không dừng chân?
Như Quỳnh: Vì yêu cầu duy nhất là minh bạch thông tin để mọi người có thể yên tâm. Mình chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải biết chuyện gì đã xảy ra, mà đến tận bây giờ, không ai biết vì sao cá chết. Mọi nguyên nhân đều quay vòng vòng để né tránh nhà máy Formosa.
Trà Mi: Tham gia tuần hành và gặp phải sự đối phó như vậy, các bạn nghiệm ra điều gì?
Quang Nam: Mình thấy những tiếng nói mong muốn tiếp tục tuần hành rất nhiều, đặc biệt sau khi mọi người nhìn thấy hình ảnh chị Uyên ở Sài Gòn bị đánh khi ôm ghì đứa con, một hình ảnh rất thương tâm.
Đình Hà: Chính quyền nên lắng nghe lòng dân, nên tôn trọng việc công dân thực hiện quyền của họ vì việc tuần hành là hoạt động bình thường trong xã hội miễn sao trong tinh thần ôn hòa, không bạo loạn.
Trà Mi: Tụ tập đông người ở Việt Nam trong khi Việt Nam chưa có luật cụ thể quy định biểu tình, rất dễ bị coi là phạm pháp. Các bạn nghĩ sao?
Đình Hà: Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền biểu tình.
Trà Mi: Xuống đường ôn hòa nhưng, theo một số người, khó tránh được những phần tử xấu gây rối loạn, kích động. Ý kiến các bạn thế nào?
Quang Nam: Cũng tại Việt Nam chưa có luật cụ thể cho biểu tình nên mới nhập nhằng và vòng vo như thế. Trong khi đó, Hiến pháp đã quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt.
Trà Mi: Sau những lần đi biểu tình như vậy, các bạn có thấy mình đứng trước rủi ro có thể gặp những phần tử xấu lợi dụng gây rối loạn hay không?
Quang Nam: Theo em nghĩ là có. Thông thường, người dân đi biểu tình rất ôn hòa nhưng gặp các thành phần do an ninh cài vào, trà trộn vào kích động, mạt sát những người an ninh để những người an ninh có cớ để đàn áp. Họ cố tình công kích. Dân mình có thái độ nào thì họ quay phim, chụp hình, cắt ghép, dàn dựng để nói mình bạo loạn, gây rối, để họ khống chế mình.
Trà Mi: Các cuộc tuần hành xanh bị nhuốm máu, ấn tượng đọng lại trong các bạn thế nào?
Như Quỳnh: Mục tiêu cuộc biểu tình lần này là quyền được sống trong một môi trường trong lành và đây là một nhu cầu hết sức chính đáng mà bất kỳ người dân nào, ở vị trí nào, cũng đều mong muốn. Việc đàn áp hầu gieo rắc sự sợ hãi. Nhưng người Việt đã bắt đầu có ý thức về đời sống và có ý thức về việc đấu tranh cho tương lai con cái khá cụ thể, khá mạnh mẽ. Vì vậy, việc sử dụng bạo lực của họ bị thất bại và bị phản tác dụng.
Trà Mi: Xuống đường đòi quyền được sống sạch, chưa thấy được sự minh bạch mà chỉ thấy sự đàn áp hung hãn, vậy các bạn có tiếp tục phương cách này hay chăng?
Như Quỳnh: Khi chưa có câu trả lời tại sao cá chết thì mọi người vẫn sẽ đi tiếp. Mọi người đánh giá được rủi ro nhưng vẫn sẵn sàng đối mặt.
Trà Mi: Còn phương cách nào khác, ngoài biểu tình, để tiếng dân được lắng nghe hay không?
Đình Hà: Như cuộc phỏng vấn này cũng là cách để chính quyền có thể lắng nghe và mọi người có thể lắng nghe. Thông qua kênh truyền thông, mạng xã hội thì tất cả thông điệp của người dân đều có thể lan truyền đến nhau và đến chính quyền.
Trà Mi: Những tiếng nói bị dập tắt bằng bạo lực, có giải pháp nào không?
Như Quỳnh: Mình thấy có nhóm luật sư Phục vụ Công lý đã sử dụng luật pháp để đáp trả hành vi bạo lực. Đó cũng là một phương thức. Thật ra, cách duy nhất để thay đổi tình trạng này là mọi người phải đoàn kết và chịu khó dùng chính luật pháp, với sự trợ giúp của các luật sư, để đáp trả bạo lực bằng luật pháp trước nhất. Một bước nữa mà mình và các bạn đang làm là gửi thư đến chính phủ yêu cầu trách nhiệm và minh bạch. Tất cả sức ép phải được thực hiện hàng ngày. Cái sợ lớn nhất của chế độ này là mọi người nhận thức và không còn sợ nữa. Chính vì vậy, vụ cá chết là cơ hội khá tốt giúp những người lâu nay thờ ơ với cuộc sống nhận thấy là đã đến lúc chính họ cũng phải nói, biến nỗi lo thường trực thành việc tất cả cùng lên tiếng.
Trà Mi: Có người cho rằng những gì diễn ra trước mắt bạn ngày nay là do sự thờ ơ của chính bạn bấy lâu nay, là do ‘người dân Việt Nam không chịu lớn’ . Vậy làm thế nào để người dân Việt Nam phải lớn và được lớn?
Quang Nam: Bây giờ, mình là người trẻ hiểu biết được vấn đề thì phải thúc đẩy sự người quan tâm của mọi người nhiều hơn, thúc đẩy sự minh bạch hóa và yêu cầu cải cách luật pháp.
Trà Mi: Nhưng thúc đẩy bằng cách nào trong khi đại đa số dân Việt vẫn còn tâm lý cầu an, sợ hãi?
Quang Nam: Trước mắt biểu tình chính là một phương pháp. Những người biểu tình bị đánh đập có thể làm kiến nghị hoặc đơn thư tố cáo để người dân thấy đó mà bớt sợ hãi đi.
Đình Hà: Cần phải mang đến cho mọi người thông tin, sự thật để dần dần họ sẽ hiểu được rằng chính trị gắn liền với mọi mặt trong đời sống của họ, họ không thể thờ ơ. Đa phần bây giờ tiêm nhiễm vào đầu suy nghĩ rằng thôi chỉ lo cho gia đình và bản thân, không nên quan tâm đến chính trị làm gì. Khi họ hiểu quyền lợi sát sườn của mình đang bị xâm phạm, môi trường mình thở, sống, ăn uống đều bị xâm hại như thế nào thì họ mới có thể lên tiếng.
Trà Mi: Có lẽ là mọi người hiểu và thấy hết, nhưng nhìn vào các cuộc biểu tình vừa qua chẳng hạn, tuần hành ôn hòa vì sự minh bạch lại bị đáp trả bằng hành vi hung bạo. Cho nên, cũng có người cho rằng không phải người Việt không chịu lớn mà là họ không dám lớn. Suy nghĩ người trẻ các bạn thế nào?
Đình Hà: Chính quyền gieo rắc vào đầu mọi người sự sợ hãi. Cho nên phải trang bị cho mọi người thông tin, sự thật, kiến thức pháp luật để mọi người sẵn sàng thực hiện quyền của mình. Nếu nhiều người cùng làm, sẽ tạo nên một áp lực buộc chính quyền phải thực hiện đúng pháp luật.
Quang Nam: Em luôn tâm niệm một điều là xã hội không thay đổi nếu mình không hành động. Các bạn sinh viên lần đầu tiên đi biểu tình vừa qua bị bắt, có bạn đã khóc, nhưng khi hỏi tuần sau nếu có biểu tình các bạn có đi không, các bạn bảo ‘Vẫn đi chứ.’ Đấy là quyền sống của mình.
Em muốn nói với tất cả mọi người rằng đừng sợ hãi. Em muốn nói với những người hữu trách rằng hãy nhìn lại cục diện toàn cảnh xã hội ngày nay và phải thay đổi.
Trà Mi: Vì sao phải thay đổi, không thay đổi thì sao? Hà có câu trả lời không?
Đình Hà: Thay đổi là xu thế tất yếu của mọi xã hội. Em mong rằng chính quyền Việt Nam sẽ lắng nghe điều đó. Nếu họ không lắng nghe, thì ‘gieo nhân nào, gặp quả đấy’. Nếu họ không thay đổi, họ sẽ gặp những hệ lụy rất khó lường trước được một khi lòng dân đã biến đổi.
Trà Mi: Liệu các cuộc biểu tình vì môi trường cũng kết cục tương tự như các cuộc biểu tình vì Biển Đông trước đây hay không? Đàn áp rồi sẽ dập tắt tất cả?
Đình Hà: Nếu họ tiếp tục trấn áp như vậy thì hình ảnh Việt Nam trong con mắt chính trường quốc tế sẽ bị xấu đi. Cách giải quyết tốt nhất của họ là nên để người dân tuần hành ôn hòa rồi giải tán thay vì trấn áp bằng bạo lực.
Quang Nam: Qua sự việc diễn ra em thấy chính quyền đã quyết tâm dập tắt các sự kiện này, đặc biệt là sắp tới có bầu cử Quốc hội và chuyến thăm của Tổng thống Obama. Trong tuần tới, họ có thể sẽ làm như tuần rồi, có thể còn thô bạo hơn.
Trà Mi: Liệu họ có thành công?
Quang Nam: Họ đạt được nhiệm vụ đấy nhưng trong lòng dân thì sẽ không yên. Tất cả mọi người đều không hài lòng. Việc đấy càng kéo dài bao lâu thì sức chịu đựng của người dân càng bị dồn nén. Càng ngày mọi người càng hiểu rõ bản chất của chính quyền hiện nay thì đến một lúc nào đó sự phản ứng sẽ càng dữ dội hơn.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.