Nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc đang có tác động đối với việc chi tiêu của chính phủ, trong đó có ngân sách quốc phòng được theo dõi sát.
Bà Phó Oánh, nữ phát ngôn viên của Quốc hội chủ yếu mang tính bù nhìn của Trung Quốc, nói với các phóng viên hôm 4/3 rằng quân đội sẽ tăng chi từ 7 đến 8% trong năm nay.
Đây là lần đầu tiên mức tăng chi về quốc phòng được loan báo của Trung Quốc đã tụt xuống dưới mức tăng trưởng 2 con số kể từ 6 năm nay, và tiếp theo hơn 1 thập niên tăng trưởng gần như liên tục ở mức 2 con số.
Theo bà Phó Oánh, số liệu chính thức sẽ được loan báo vào ngày thứ Bảy khi Quốc hội Trung Quốc bắt đầu họp các phiên thường lệ ở Bắc Kinh.
“Ngân sách quốc phòng Trung Quốc dựa vào 2 điểm chủ yếu: nhu cầu phát triển quân sự cũng như phát triển kinh tế và thu nhập của chính phủ”.
Năm ngoái, Trung Quốc loan báo sẽ cắt giảm quân số khổng lồ xuống 300.000 quân, ngay trong lúc những khẳng định chủ quyền trong khu vực của họ ngày càng trở thành một vấn đề gây tranh cãi.
“Chế độ bình thường mới” của quân đội
Các chuyên gia phân tích nói sự cắt giảm rất phù hợp với điều mà Trung Quốc mô tả là “chế độ bình thường mới” cho tăng trưởng kinh tế chậm chạp hơn.
Ông Alexander Neill, một giảng viên kỳ cựu về châu Á tại Viện Nghiên cứu Sách lược Quốc tế trong cuộc Đối thoại Shangri-la ở Singapore nói:
“Với tăng trưởng GDP ở Trung Quốc xuống mức dưới 7% thì theo tôi như thế là thích đáng, trong mắt giới lãnh đạo nhằm quân bình chi tiêu quốc phòng cho phù hợp hơn với chế độ bình thường mới đó”.
Ông Neill nói thêm rằng từ hơn 1 thập niên, Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA đã nhận được nhiều tiền mặt của giới lãnh đạo trung ương và điều này rất có thể tiêu biểu cho một sự giảm bớt dần tình trạng đó.
Những quan ngại về tính minh bạch
Trung Quốc là nước chi tiêu về quân sự đứng hàng thứ 2 trên thế giới, và trong khi ngân sách thường niên hồi năm ngoái đã tăng 10,1% lên tới con số tổng cộng trên 135 tỷ đôla, thì vẫn còn thua xa so với Hoa Kỳ.
Song không rõ sự chính xác của các số liệu do Trung Quốc đưa ra bởi vì tính minh bạch lâu nay vẫn là một quan ngại, theo ông Jagannath Panda, một chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi.
“Chúng tôi không biết mức độ minh bạch và trung thực ra sao”. Ông cũng nói thêm rằng việc cắt giảm có thể được thực hiện vì một số lý do kỹ thuật. Có quá nhiều những vùng xám trong công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Ta không biết nguồn tài chính ở đâu? Việc cấp ngân được đệ trình ra sao? Những khoản chi tiêu thực sự diễn ra ở đâu, hoặc có diễn ra hay không”.
Binh sĩ Trung Quốc diễu hành trong đợt tập luyện cho dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai tại Bắc Kinh ngày 1/9/2015.
Tuy nhiên, một số quan ngại đã bị thổi phồng, theo nhận định của ông Vương Đông, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Bắc Kinh. Ông Vương nói chi tiêu quân sự của Trung Quốc thực sự chiếm khoảng 2% tăng trưởng kinh tế thường niên, phần lớn là phù hợp với những gì các nước khác chi tiêu.
Ông nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc lưu ý rằng phần lớn tăng trưởng chi tiêu quốc phòng thực sự có liên quan đến vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Ông nói:
“Chúng ta có thể nêu ra nhiều ví dụ bao gồm cả sự gia tăng khổng lồ của Trung Quốc trong cam kết đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và sự đóng góp của Trung Quốc vào những hoạt động chống hải tặc”.
Thông điệp ngân sách
Tuy nhiên, sự giảm chi diễn ra vào một thời điểm mà Trung Quốc đang vội vã xây dựng các hòn đảo nhân tạo và khẳng định kiên quyết chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông đang gây quan ngại cho các nước láng giềng. Một phần nguyên do của sự giảm chi này cũng có thể nhắm xoa dịu sự lo ngại trong khu vực.
Ông Alexander Neill nói:
“Thông điệp chính trị có lẽ là để phản bác điều đó. Nó nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị giảm thiểu và kiềm chế chi tiêu quốc phòng”.
Ông Neill cho rằng việc giảm thiểu cũng có thể là một “thông điệp chính trị cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bày tỏ sự kiềm chế”.
Theo nhận xét của chuyên gia Jagannath Panda, qua việc kéo chậm tăng ngân sách, Trung Quốc dường như tìm cách gửi đi một thông điệp tế nhị rằng họ không phải là một mối đe dọa an ninh và các nước láng giềng phải coi họ là một nước đang mưu tìm hợp tác.
Tuy nhiên, ông nói “không có cách nào Trung Quốc lại nới lỏng lập trường của họ” về các vấn đề lãnh thổ và an ninh.
Ông nói thêm rằng cũng có thể có một thông điệp trong nước về sự cắt giảm nữa, trong bối cảnh nạn tham những đang tràn lan trong quân đội. Trước đây, các mức chi cao đã dẫn tới những vấn đề tham nhũng ồ ạt và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tìm cách giải quyết vấn đề và thực thi nhiều quyền kiểm soát hơn đối với khu vực quân sự.
Ông Panda nói:
“Tất cả sự kiện này có thể liên quan đến các cải cách trong nước của Trung Quốc, nhất là những cải cách trong vòng quân sự”.