Hôm Chủ nhật vừa qua, quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật chống khủng bố đầu tiên của nước này để nới rộng khả năng của chính phủ nhằm buộc các công ty công nghệ nước ngoài hợp tác với các cuộc điều tra của chính phủ. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, nhiều người cho rằng luật này có thể xói mòn thêm nữa các quyền tự do của người dân Trung Quốc.
Giới hữu trách Trung Quốc nói rằng luật mới sẽ tăng cường khả năng chống khủng bố trong nước và nước ngoài, đồng thời bảo vệ cho các cá nhân và doanh nghiệp. Bắc Kinh nhất mực cho rằng những luật lệ, bắt đầu có hiệu lực từ tháng Giêng, là cần thiết và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Những người chỉ trích luật này ngay từ lúc nó còn ở trong giai đoạn soạn thảo bao gồm các tổ chức nhân quyền và giới hữu trách Hoa Kỳ. Họ cho rằng luật này quá rộng, và có thể đe dọa tới quyền tự do diễn đạt và tự do tôn giáo và gây phương hại cho quyền sở hữu tài sản trí thức.
Các giới chức Trung Quốc nói họ đạt được một sự cân bằng giữa mục tiêu tăng cường khả năng chống khủng bố với mục tiêu bảo vệ nhân quyền cũng như bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo hôm Chủ nhật ở Bắc Kinh, ông Lý Thọ Vĩ, một viên chức của Ủy ban Pháp chế của quốc hội, nói rằng luật này không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty ở Trung Quốc.
"Chúng tôi không lợi dụng luật này để tạo ra “cửa hậu” để xâm phạm quyền tài sản trí thức của các công ty hay để gây phương hại cho tự do ngôn luận trên internet và tự do tín ngưỡng của người dân".
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng luật này buộc các công ty phải giúp giới hữu trách Trung Quốc giải mã dữ liệu cho các cuộc điều tra chống khủng bố.
Nhiều người thắc mắc là tại sao giới hữu trách Trung Quốc lại cần có những quyền hạn mới trong lúc họ đã có sẵn những quyền hạn rất rộng rãi để điều tra và bắt giữ nghi can. Các giới chức Trung Quốc nói họ đang phải ứng phó với sự gia tăng của những hoạt động khủng bố.
Truyền thông bị hạn chế thêm nữa
Nhưng định nghĩa của Trung Quốc về khủng bố bị nhiều người xem là có quá nhiều tính chất chính trị.
Thứ 7 vừa qua, bộ ngoại giao Trung Quốc đã quyết định trục xuất nữ ký giả người Pháp Ursula Gauthier vì một bài viết của bà trên Tuần báo L’Obs của Pháp về bạo động sắc tộc ở Tân Cương.
Trong bài viết ngày 18 tháng 11, bà Gauthier cho rằng một loạt những vụ tấn công do người Uighur thực hiện là kết quả của những chính sách mạnh tay của Trung Quốc đối với nhóm người thiểu số theo đạo Hồi này, chứ không phải chỉ đơn thuần là những hoạt động khủng bố như chính quyền thường nói. Chính phủ ở Bắc Kinh nói họ cho rằng quan điểm đó là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và họ quyết định không gia hạn thị thực nhà báo cho bà Gauthier. Nhà báo này sẽ phải rời khỏi Trung Quốc khi visa hết hạn vào ngày 31 tháng 12.
Bà Gauthier nói rằng quyết định của Trung Quốc là “kỳ quặc” và những luật lệ mới này chắc chắn sẽ xói mòn thêm nữa quyền tự do ngôn luận vốn bị hạn chế rất nhiều tại quốc gia Cộng sản này.
"Đây là một luật lệ có phạm vi áp dụng quá rộng rãi, và bộ phận trong bộ luật khiến cho các nhà báo chúng tôi lo ngại là bất kỳ những gì mà chúng tôi viết hay nói, mà bị cho là khích lệ khủng bố, là bất hợp pháp".
Bà Ursula Gauthier, nhà báo Pháp làm việc cho tuần báo L'Obs, tạo phòng làm việc riêng ở Bắc Kinh, ngày 26/12/2015.
Hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai cho biết luật mới sẽ áp dụng thêm những sự hạn chế đối với việc tường thuật về khủng bố trong nước, nhưng họ không cho biết thêm chi tiết.
Các tổ chức nhân quyền đã bày tỏ mối lo ngại là luật này sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để giới hữu trách siết chặt các biện pháp kiểm duyệt hoặc giam giữ những người tham gia các phong trào xã hội.
Luật mới cũng cho phép quân đội Trung Quốc tham gia các cuộc hành quân chống khủng bố ở nước ngoài, nếu có sự chấp thuận của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng và của nước sở tại.
Ảnh hưởng đối với các công ty nước ngoài
Luật chống khủng bố của Trung Quốc cũng dành cho nhà nước quyền tiếp cận rộng rãi đối với những dữ liệu thương mại nhạy cảm. Điều 18 của luật này qui định rằng “các công ty viễn thông và các công ty cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp giao diện kỹ thuật, giải mã và những sự hỗ trợ và trợ giúp khác” cho các cơ quan an ninh khi họ điều tra những hoạt động khủng bố.
Qui định này gây thêm khó khăn cho các công ty công nghệ nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc và có thể ảnh hưởng tới những công ty Trung Quốc muốn tiến vào các thị trường nước ngoài.
Bà Hoắc Cẩm Khiết, giám đốc công ty tình báo thị trường IDC China, cho biết luật mới sẽ khiến cho nhiều công ty nước ngoài phải tìm kiếm các đối tác Trung Quốc để tuân hành những qui định mới mà không phải ra khỏi Trung Quốc.
"Chắc chắn là rất khó khăn, nhưng đây là một thị trường rất quan trọng cho các công ty đa quốc nên họ không thể bỏ đi. Đó chính là lý do tại sao trong 6 tháng qua có rất nhiều công ty liên doanh thuộc nhiều hình thức đối tác khác nhau đã được thành lập tại Trung Quốc".
Các công ty công nghệ Tây phương đã có xích mích với giới hữu trách ở Anh và Mỹ về việc cung cấp thêm quyền tiếp cận đối với những nội dung được mã hóa của người sử dụng. Các giới chức chấp hành pháp luật nói rằng sự mã hóa quá nghiêm nhặt gây phương hại tới khả năng bắt giữ những phần tử khủng bố. Các công ty thì nói rằng những cách thức cửa hậu để làm yếu đi biện pháp mã hóa sẽ bị những tay tin tặc lợi dụng và điều đó làm cho nội dung của tất cả những sự liên lạc dễ bị xâm phạm hơn nữa.
Giáo sư Hùng Chí Dũng, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung của Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng mọi người nên chờ xem Trung Quốc chấp hành luật này như thế nào.
"Bản thân luật này là không chống đối được. Nhưng trong lúc chấp hành luật, điều then chốt là phải chăng nó sẽ được áp dụng sai vào những lãnh vực mà lẽ ra nó không nên được áp dụng, vượt quá phạm vi của nó".
Luật chống khủng bố là sự nới rộng quyền hành mới nhất của chính phủ Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, các giới chức Trung Quốc đã gia tăng sự kiểm soát đối với nền kinh tế, đàn áp các luật sư nhân quyền và tăng cường những vụ trấn áp tại các khu vực của người sắc tộc thiểu số như Tây Tạng và Tân Cương.