Kết quả kiểm phiếu sớm cho cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp hôm Chủ nhật cho thấy hơn 60 phần trăm bác bỏ những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ của Hy Lạp muốn áp đặt lên đất nước đang ngập trong nợ nần này để đổi lấy những khoản vay cứu nguy mới.
Kết quả được thu thập từ 20 phần trăm những địa điểm bỏ phiếu ở Hy Lạp. Kết quả này tương tự như dự đoán của Bộ Nội vụ Hy Lạp nói rằng 61 phần trăm cử tri phản đối áp đặt thêm những hạn chế tài chính nữa đối với chính phủ.
Cuộc bỏ phiếu mang tính hệ trọng đối với tương lai kinh tế của Hy Lạp có thể định đoạt liệu Athens có bị buộc rời khỏi khối 19 quốc gia sử dụng đồng euro hay không, hoặc liệu những nước láng giềng, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ cấp thêm khoản cứu nguy mới cho Hy Lạp hay không.
Thủ tướng Alexis Tsipras đã kêu gọi cử tri bác bỏ các điều kiện đặt ra như tăng thêm thuế và cắt giảm chi tiêu. Ông nói thêm rằng câu trả lời “không đồng ý” sẽ giúp Hy Lạp có vị thế tốt hơn để thương thảo với các bộ trưởng tài chính châu Âu.
“Không ai có thể phớt lờ ý nguyện sống của người dân, quyết tâm sống còn cũng như nắm lấy số phận của họ,” ông Tsipras nói sau khi bỏ phiếu sáng Chủ nhật.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande cho biết họ sẽ hội kiến vào ngày thứ Hai ở Paris để "đánh giá những hậu quả" từ cuộc bỏ phiếu của Hy Lạp.
Gần 10 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Tin tức cho biết việc bỏ phiếu diễn ra nhanh chóng tại nhiều điểm bỏ phiếu.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, người nói rằng ông sẽ từ chức vào ngày thứ Hai nếu người dân Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ việc chấp nhận những yêu cầu kiệm ước, gọi cuộc bỏ phiếu là "một khoảnh khắc thiêng liêng."
Một cử tri dự đoán sẽ không có kết quả tốt đẹp từ cuộc bỏ phiếu, nói rằng "cuộc trưng cầu dân ý này không nên diễn ra. Không có tình huống tiến thoái lưỡng nan. Bỏ phiếu thế nào thì tình hình vẫn xấu đối với chúng tôi."
Nhưng những người ủng hộ bỏ phiếu "đồng ý" cho biết Hy Lạp không có sự lựa chọn nào khác ngoài một tương lai ở châu Âu. Bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng euro có nghĩa là Hy Lạp sẽ phải quay lại sử dụng đồng drachma cũ của mình, và chỉ tệ này có thể bị từ chối nhận ở ngoài nước.
Hầu hết người dân Hy Lạp phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong tuần lễ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.
Ngân hàng đã hạn chế số tiền rút ra để tránh bị hết tiền, dù các máy rút tiền nhiều lần không còn tiền mặt. Các siêu thị thì nhanh chóng hết sạch các loại thực phẩm cơ bản. Các cửa hàng thì lưỡng lự không muốn bày hàng ra kệ vì không biết chắc chắn là họ sẽ trả cho đầu phối phân phối như thế nào.
Hy Lạp tuần trước không thể trả khoản nợ 1,8 tỷ đôla nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi các bộ trưởng tài chính châu Âu từ chối chi thêm để cứu nguy nước này.
Các chủ nợ châu Âu cáo buộc Athens từ chối thực hiện thêm các biện pháp cải cách về kinh tế trong khi người Hy Lạp nói rằng họ đã hy sinh quá đủ và cảm thấy như là nô lệ của các chủ nợ.