Các nhà lãnh đạo 7 quốc gia dân chủ, công nghiệp hóa hàng đầu trên thế giới đang dự hội nghị thượng đỉnh thường niên với chương trình thảo luận của ngày đầu tiên dành cho vấn đề kinh tế toàn cầu và các cuộc đàm phán tự do hóa các luật lệ thương mại. Cuộc họp cũng sẽ tập trung vào cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Các đại biểu, theo dự kiến, cũng sẽ thảo luận về các cuộc khủng hoảng trên thế giới, trong đó có những thắng lợi của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria cũng như các cuộc khủng hoảng ở Libya và Yemen. Ngoài ra còn có cả các vấn đề cấp bách liên quan đến 2 cường quốc. Đó là việc Trung Quốc đang xây các đảo ở Thái bình dương có thể được sử dụng để kiểm soát các tuyến vận chuyển đường biển và Nga tiếp tục hỗ trợ cho các phần tử ly khai ở miền đông Ukraine.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận định đó là danh sách các "thách thức khó khăn." Ông nói:
“Chúng ta sẽ thảo luận tương lai chung của chúng ta, vấn đề kinh tế toàn cầu tạo công ăn việc làm và cơ hội, duy trì khối Liên hiệp châu Âu thịnh vượng và vững mạnh, xây dựng các đối tác thương mại mới trên khắp vùng Đại Tây Dương, đương đầu với hoạ xâm lăng của Nga ở Ukraine, chống các mối đe dọa từ chủ nghĩa bạo động cho đến vấn đề khí hậu biến đổi.
Nga bị loại trong cuộc họp của nhóm này từ năm ngoái sau khi Nga xâm chiếm và sát nhập vùng Crimea của Ukraine. Các nước G7 nằm trong số những nước mà các nhà lãnh đạo đã thực hiện các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi chính sách.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói:
“Tất cả chúng ta đều muốn có sự hiện diện của Nga tại bàn hội nghị theo dạng thức nhóm G8. Nhưng Nhóm của chúng ta không chỉ là nhóm quan tâm về chính trị và kinh tế, mà trên hết đây là một cộng đồng của những giá trị và đó là lý do vì sao Nga không có mặt cùng với chúng ta tại đây vào ngày hôm nay và sẽ không được mời dự chừng nào mà Nga vẫn xử sự một cách hung hăng đối với Ukraine và các nước khác.”
Ông Tusk nói ông muốn hội nghị thượng đỉnh “tái xác nhận sự thống nhất của nhóm G7 về chính sách trừng phạt” nhắm vào Nga và có thể sẽ tăng cường nó.
Các giới chức Hoa Kỳ và châu Âu thừa nhận là các biện pháp trừng phạt chưa đưa đến kết quả thay đổi mà họ mong muốn, nhưng các giới chức này nói rằng những biện pháp đó gây tổn hại nghiêm trọng cho kinh tế nước Nga, và sẽ tác động vào chính sách của nước này trong dài hạn.
Vào Thứ Hai, Thủ tướng Iraq sẽ tham gia với các nhà lãnh đạo G7 thảo luận về cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, và một số nhà lãnh đạo châu Phi sẽ tham gia các cuộc họp để thảo luận về các vấn đề như phát triển, quyền của nữ giới và chính sách y tế.
Các nhà lãnh đạo cũng muốn có sự thỏa thuận về chính sách khí hậu biến đổi cho một hội nghị quan trọng sẽ được tổ chức ở Paris vào tháng 12, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm giảm sự thải khí carbon.
Các thông cáo của G7 về những vấn đề như vậy thường được đón nhận thờ ơ, nhưng theo một nhóm học giả quốc tế theo dõi tổ chức này thì họ thực sự tuân thủ và tạo được sự khác biệt.
Trong đánh giá hàng năm đưa ra hôm Chủ nhật, Nhóm Nghiên cứu về G7 thuộc Đại học Toronto nói rằng tính trung bình thì các nước nhóm G7 đã tuân thủ 80% các cam kết họ đề ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái. Các nhà nghiên cứu nói rằng G7 quả có tạo sự thay đổi, nhất là đối với các vấn đề như luật lệ tài chính, y tế, giúp người tị nạn và phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi.
Giống như tất cả các hội nghị thượng đỉnh G7 và các sự kiện tương tự, hội nghị năm nay thu hút những người phản đối đổ lỗi cho các cường quốc về nhiều vấn đề trên thế giới. Vừa hô khẩu hiệu và ca hát, một số người trong nhóm này đã chận các con đường trong khu vực trong một khoảng thời gian ngắn vào sáng sớm Chủ nhật và một nhóm đã đi bộ ngang qua khu những người biểu tình được phép cắm trại, tìm cách đến khách sạn nơi hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra.
Trên 1.500 nhân viên an ninh an ninh ngăn chận nhóm người biểu tình và bảo đảm an ninh cho các nhà lãnh đạo trong khi họ duy trì truyền thống mở cuộc họp trong vài ngày, chủ yếu là cuộc họp của riêng họ, để thảo luận những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới.
- Các nhà lãnh đạo nhóm G7 và EU chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Kruen, Đức, ngày 7/6/2015.
- Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Italia, Thủ tướng Đức, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada tại hội nghị G7 ở Đức.
- Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình chống G7 tại Garmisch-Partenkirchen, miền nam nước Đức, ngày 7/6/2015.
- Thủ tướng Đức và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được cư dân thị trấn Kruen chào đón.
- Người chơi kèn Alpenhorn tại làng Bavarian của Kruen chào đón Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức, ngày 7/6/2015.
- Lực lượng cảnh sát đi bộ qua một ngân hàng trên đường phố Garmisch-Partenkirchen, ngày 7/6/2015.