Cameroon định áp dụng án tử hình đối với phần tử khủng bố

PostTue Dec 09, 2014 1:31 pm

VOA - Arts and Entertainment

Tổng thống Cameroon Paul Biya. Những người chống đối đang lo ngại là từ ngữ trong luật mới quá rộng rãi và có thể bị lợi dụng để làm im tiếng những người chống đối quyền cai trị của Tổng thống Paul Biya

Các tổ chức nhân quyền và các nhà lập pháp đối lập ở Cameroon đang phản đối một dự luật, mà nếu được thông qua, sẽ áp dụng án tử hình đối với những người phạm tội khủng bố. Chính phủ nói rằng việc này là cần thiết để ngăn ngừa sự hợp tác với những nhóm hiếu chiến như nhóm Boko Haram, là nhóm đã bắt đầu tuyển mộ chiến binh và tiến hành những hoạt động khủng bố ở các cộng đồng nằm dọc theo biên giới giáp với Nigeria. Thông tín viên Moki Edwin Kindzeka của đài VOA tường thuật từ thủ đô Yaounde của Cameroon.


Dự luật được thông qua vào thượng tuần tháng 12 cho phép áp dụng án tử hình đối với những người can tội khủng bố hoặc trợ giúp cho những phần tử khủng bố.


Những người chỉ trích nói rằng luật này có thể dẫn tới những vụ chà đạp nhân quyền.


Ông Forbi Nchinda, một chính khách đối lập thuộc Mặt trận Dân chủ Xã hội, nói rằng luật này là lạc hậu vì nhiều nước trên thế giới đã hủy bỏ án tử hình:

"Cả thế giới đang lánh xa án tử hình. Bây giờ họ lại muốn áp dụng án tử hình đối với những người bị tố cáo phạm tội khủng bố. Điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận. Ngay cả ở Cameroon, không có ai bị hành quyết trong 20 năm nay vì xu hướng chung của thế giới là lánh xa án tử hình."


Ấn tử hình được áp dụng ở Cameroon đối với những người can tội phản quốc hoặc sát nhân, nhưng theo Hội Ân xá Quốc tế, chưa có vụ hành quyết nào được thực hiện từ năm 1997 tới nay.


Những người chống đối đang lo ngại là từ ngữ trong luật mới quá rộng rãi và có thể bị lợi dụng để làm im tiếng những người chống đối quyền cai trị trong 30 năm nay của Tổng thống Paul Biya.


Dự luật này định nghĩa những hành vi khủng bố là những sự đe dọa gây tử vong, gây thương tích, gây thiệt hại vật chất, hăm dọa dân chúng, khích động sợ hãi hoặc gây rối trị an.


Ông Ndi Richard Tantoh của tổ chức phi chính phủ Phụng sự Hòa bình nằm trong số những người cảm thấy lo ngại về việc luật mới bị lạm dụng. Ông nói:

"Mọi chỉ dấu đều cho thấy quyền tự do của cá nhân để bày tỏ sự bất bình đối với hành động của chính phủ sẽ bị trừng trị nặng tay và tố cáo người khác về những tội chống phá nhà nước và bị nhục hình."


Cameroon lâu nay vẫn bị chỉ trích về việc đàn áp đối lập. Theo phúc trình năm 2013 của tổ chức Minh bạch Quốc tế, Cameroon đã dùng hệ thống tư pháp hình sự để sách nhiễu và làm im tiếng những người chỉ trích. Hiện giờ, Tổng thống Biya đang bỏ tù mười mấy cựu bộ trưởng.


Giới truyền thông Cameroon, vốn đã bị nhiều áp lực, cũng đang bày tỏ sự quan tâm đối với những qui định trong dự luật, trong đó có việc hình sự hóa việc tường thuật về những hoạt động khủng bố trong một số trường hợp với mức án lên tới 15 năm tù. Trong vài tháng qua có 7 hoặc 8 nhà báo đã bị chính phủ cấm không được tường thuật vì cáo giác cho rằng họ có những thông tin bí mật hoặc hoạt động của họ gây phương hại cho ổn định của quốc gia. Đó chính là lý do vì sao những ký giả, như ông Ben Collins Nyuyberiwo, xem luật mới như một công cụ khác nữa để hăm dọa những người chỉ trích chính phủ:

"Tôi không tin là họ muốn xử lý vấn đề khủng bố trong vụ này. Thí dụ, họ đang nói tới Boko Haram. Boko Haram không phải là một vấn đề của Cameroon. Tôi nghĩ rằng họ nên nhắm mục tiêu vào những người nước ngoài đang tìm cách xâm nhập hệ thống chúng ta để gây bất ổn, chứ không nên nhắm vào những nhà báo mà tôi tin là không dính líu gì tới vấn đề này. Họ phải làm công việc của họ. Họ phải tường thuật. Họ phải cung cấp thông tin cho người dân."


Tuy Boko Haram trên lý thuyết là một vấn đề nước ngoài, nhưng nhóm hiếu chiến này đã bắt đầu gieo rắc khủng bố ở các thị trấn của Cameroon nằm dọc theo biên giới dài hàng ngàn kilomét giáp với Nigeria. Nhóm này đã dùng Cameroon như một bàn đạp để phát động những vụ tấn công. Họ cũng đánh cắp tiếp liệu, thực hiện những vụ bắt cóc và giết hại cư dân ở Cameroon.


Nhưng điều làm cho chính phủ Cameroon lo ngại hơn cả là nhóm hiếu chiến này đã bắt đầu tìm cách tuyển mộ những người trẻ để chiến đấu cho họ.


Ông Enwi Francis, một nhà lập pháp thuộc đảng CPDM đương quyền, nói rằng luật mới là một biện pháp răn đe có hiệu quả:

"Nếu quí vị nhìn vào những gì Boko Haram đang làm, như bắt cóc trẻ em. Nếu quí vị tưởng tượng con gái của quí vị bị bắt cóc và bị đưa tới một nơi khác và quí vị không biết chuyện gì xảy ra cho con mình. Vợ của quí vị bị bắt như vậy. Đó là những mối đe dọa đối với đất nước. Bọn chúng xông vào trường học và nổ súng giết chết học sinh. Bọn chúng phải bị trừng trị. Không thể để cho bọn chúng tự do giết người."


Toàn bộ 148 dân biểu thuộc đảng CPDM của Tổng thống Biya tại Hạ viện gồm 200 đại biểu đã bỏ phiếu tán thành dự luật, trong lúc 86 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ của CPDM cũng biểu quyết thông qua dự luật. Theo dự liệu, ông Biya sẽ ký ban hành trong vài ngày nữa.


NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1149 guests

cron