Chính phủ Philippines đang ra sức giúp đỡ dân chúng dọn dẹp những đống đổ nát sau khi một trận bão lớn thổi qua đảo Luzon ở miền Bắc ngày hôm nay. Bão đã ảnh hưởng tới thủ đô Manila, gây tử vong cho ít nhất 10 người và làm hàng trăm ngàn người phải di tản. Giờ đây, cơn bão thổi về hướng Biển Đông, nơi các tàu bè của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu vì vụ giàn khoan 981 của Trung Quốc. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain gởi về bài tường thuật sau đây.
Bão Rammasun hôm nay thổi qua phần đất chạy dài từ vùng đông nam của đảo Luzon tới thủ đô Manila, với những cơn gió lên tới 185 kilomét/giờ. Gió lớn đã làm nhiều căn nhà bị tốc mái, cây cối và cột điện bị ngã đổ.
Trợ lý Bộ trưởng Khoa học và Kỹ thuật Raymund Liboro cho biết dựa trên sự quan sát ban đầu, trong vùng thủ đô, những cơn mưa lớn không gây nhiều thiệt hại bằng gió.
"Tác động của gió của thể lớn hơn mưa, vì trong vùng thủ đô Manila đã không có những vụ ngập lụt vốn thường đi kèm với những cơn bão lớn như thế này."
Các giới chức Phòng vệ Dân sự cho biết gần 400.000 người sinh sống ở những vùng dễ bị thiệt hại đã bị ảnh hưởng. Trường học, công sở và các địa điểm kinh doanh phải đóng cửa. Lực lượng duyên phòng cho biết khoảng 5.000 khách đi phà còn bị mắc kẹt.
Ông Liboro nói rằng trận bão sẽ mạnh lên trong lúc di chuyển trên Biển Đông. Trung tâm Cảnh báo Bão Hỗn hợp ở Hawaii dự báo sức gió của bão này có thể lên tới 230 kilomét/giờ trong 24 giờ sắp tới và sau đó còn có thể mạnh hơn nữa.
Các chuyên gia thời tiết cho biết có phần chắc trận bão sẽ di chuyển về hướng quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc ngày hôm qua loan báo là họ đang dời một giàn khoan dầu gây tranh cãi. Một vụ đối đầu căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra từ khi Bắc Kinh loan báo việc hạ đặt giàn khoan ở vùng này cách nay hai tháng. Hà Nội nói rằng giàn khoan đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc bác bỏ tố cáo đó và nói rằng vùng biển này thuộc lãnh hải của những hòn đảo mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình.
Bắc Kinh cho biết giàn khoan 1 tỉ đô la này được dời tới gần đảo Hải Nam hơn vì đã hoàn tất công tác thăm dò.
Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nói rằng không phải là một sự ngẫu nhiên mà Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc do nhà nước làm chủ hồi đầu tuần này loan báo họ đã hoàn tất dự án thăm dò sớm hơn một tháng so với kế hoạch.
"Một phần là vì trận bão này, là trận bão có thể không thổi thẳng vào giàn khoan nhưng sẽ làm cho thời tiết xấu đi, và Trung Quốc có hơn 100 chiếc tàu ở xung quanh giàn khoan và những chiếc tàu có thể gặp rủi ro, đặc biệt là những tàu nhỏ hơn. Vì vậy trận bão này mang lại một cơ hội để lùi bước sớm hơn."
Giáo sư Thayer nói rằng vào thời điểm này, việc dời giàn khoan “đã giải tỏa hoàn toàn những mối căng thẳng” giữa Việt Nam với Trung Quốc, vì những chiếc tàu của Trung Quốc có phần chắc sẽ rút đi, và không có dịp để đối đầu với các chiếc tàu của Việt Nam.
Bên cạnh việc hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc cũng tiến hành những hoạt động xây dựng trên các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông để tìm cách củng cố những yêu sách chủ quyền của họ đối với khu vực này. Hầu hết những hoạt động xây dựng đó được ghi nhận trên các đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, nằm về phía nam của Hoàng Sa, và không nằm trong đường đi của bão Rammasun.