Khi đến Hoa Kỳ từ nước Cộng hòa Dân chủ Congo, Jean Claude Kazadi và vợ là Myriam lập tức bắt đầu gửi tiền về nhà. Họ muốn giúp đỡ thân nhân còn ở lại trong nước. Ông Kazadi nói:
“Đó là lề lối mà chúng tôi lớn lên. Chúng tôi tin vào chuyện hỗ trợ cho nhau. Chúng tôi tin vào việc giúp đỡ cha mẹ, cụ thể là chúng tôi tin vào việc giúp đỡ các anh chị em trong nhà.”
Jean Claude là một bác sĩ làm việc về HIV AIDS cho Dịch vụ Cứu trợ Công giáo ở Maryland. Ông thường về thăm Congo, và nói ông hy vọng sẽ giúp người đồng hương Congo qua việc làm của mình. Nhưng ông biết rằng 400 đôla mỗi tháng ông gửi về nhà cho cha mẹ là một nguồn sống:
“Nếu chúng tôi không làm điều gì đó thì liệu chính phủ có thực sự làm gì để giúp đỡ cho cha mẹ tôi không? Chắc chắn là không. Họ không quan tâm về điều ấy.”
Kinh tế gia Adolfo Barajas thuộc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF đã nghiên cứu về các xu hướng kiều hối từ cả chục năm nay, quan sát xem các xu hướng này tác đáng ra sao đến các nền kinh tế nhận được ngân khoản này. Ông cho biết:
“Những khoản tiền này đã tăng lên rất nhiều từ 1990 cho đến 2010, hơn gấp 7 lần.”
Kinh tế gia Barajas nói luồng di trú ồ ạt thúc đẩy chiều hướng đó, nhưng ông cũng nêu ra một điểm có thể gây bất lợi… đó là các chính phủ có thể kém hiệu năng hơn nếu nhận được những khoản tiền mặt lớn.
Các kinh tế gia lâu nay vẫn nói rằng kiều hối thường đem lại thêm sức mạnh cho các gia đình nhận được tiền, qua việc tăng thu nhập. Nhưng một số người lo ngại rằng tất cả khoản tiền mặt này có thể khiến cho chỉ tệ trong nước leo thang, đầy giá cả lên và làm cho nước đó mất bớt tính cạnh tranh chẳng hạn như trong lãnh vực xuất khẩu hàng hóa.
Nhưng các kinh tế gia, kể cả ông Barajas đồng ý rằng kiều hối tác động đến nền kinh tế của nước nhận tiền về nhiều mặt tích cực.
Dilip Ratha, một chuyên gia về kiều hối của Ngân hàng Thế giới, nhận định:
“Kiều hối đem lại thu nhập, là nguồn sinh sống của nhiều người, giúp giảm nghèo, cung cấp tài trợ cho đầu tư doanh nghiệp, đầu tư vốn con người, giáo dục, y tế.”
Các kinh tế gia cho rằng khi các nước lâm vào tình trạng xung đột, như nước Cộng hòa Dân chủ Congo của vợ chồng Jean Claude và Myriam, thì các nhà đầu tư tư nhân có khuynh hướng chuồn đi, trong khi lượng kiều hồi dồn về. Chuyên gia Ngân hàng Thế giới Dilip Ratha nói:
“Bởi vì đó chính là lúc nhu cầu của các gia đình ở lại tăng lên. Và để đáp ứng các nhu cầu ấy, thì di dân gửi tiền về nhà.”
Ðối với hai vợ chồng Myriam và Jean Claude Kazadi, thì điều chính yếu là để chứng tỏ cho cha mẹ mình thấy là mặc dầu sống ở rất xa, mình không quên họ.