Kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ D-Day

PostWed Jun 04, 2014 7:40 am

VOA - Arts and Entertainment

Binh sĩ Mỹ đổ bộ vào bãi biển Omaha, ngày 6/6/1944.
Vào ngày 6 tháng 6 năm nay, hàng triệu người khắp thế giới sẽ làm lễ kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ lên Normandy, Pháp, một bước ngoặt trong Thế chiến thứ hai làm thay đổi hướng đi của lịch sử. Lễ kỷ niệm này làm sống lại những ký ức cho những cựu chiến binh Thế chiến thứ hai hiện đang già yếu, nhưng cũng có ý nghĩa đối với những người chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của chiến tranh. Thông tín viên VOA Mariama Diallo ghi nhận chi tiết.

Tại đài kỷ niệm Thế chiến thứ hai ở thủ đô Washington, mỗi ngày có hàng trăm người đến để tỏ lòng thành kính đối với bạn bè và gia đình mà họ đã mất đi trong cuộc chiến tranh. Ông Cewin Johnson là một trong những người này. Nay đã 89 tuổi, ông chỉ mới có 19 tuổi khi mất đi một cánh tay khi đi chiến đấu ở Pháp.

“Chúng tôi đang đi chiến đấu ở ngôi làng Oberhofen cách Strasbourg khoảng 20 dặm về hướng tây và chúng tôi đã đến ngôi làng ấy 3 lần để tìm cách chiếm thị trấn. Chúng tôi đã bủa vây quân Ðức ở cuối làng. Gary nghe thấy tiếng xe tăng đến từ cuối đường và đã cho nổ trọng pháo trúng chiếc xe tăng, và đó là lúc tôi cũng bị trúng đạn.”

Ông Frederick Douglass Williams, 92 tuổi, đã bay các phi vụ tác chiến ở châu Âu trong đơn vị nổi tiếng Chiến sĩ Không quân Tuskegee. Ông nói phần khó nhất của việc tham chiến là nghĩ tới những người thân yêu ở lại nhà.

“Tôi thích điều câu nói của ông Winston Churchill: Họ ngồi và chờ đợi cũng là phục vụ. Các bà mẹ, những người yêu; bà mẹ khốn khổ của tôi, bà đã phát điên lên. Chúng tôi biết và chờ đợi điều đó xảy ra nhưng họ thì không, Họ luôn đặt câu hỏi “Con trai tôi đâu?”

Ðối với các cựu chiến binh Thế chiến thứ hai và nhiều người khác, ngày 6 tháng 6 năm 1944, tức D-Day, sẽ không bao giờ quên được. Những cuộc đổ bộ của đồng minh lên Normandy đánh dấu khởi đầu cuộc giải phóng nước Pháp ra khỏi ách Ðức quốc xã, và cuối cùng dẫn đến việc Ðức thất trận. Christopher Yung là tác giả một cuốn sách nói về kế hoạch cho ngày D-Day.

“Đó là một trong các cuộc hành quân quan trọng nhất đã được tiến hành, có lẽ là cuộc tấn công thủy bộ lớn nhất từng diễn ra. Phải mất rất nhiều sự suy tính, tài năng và kiên trì của quân đội.”

Vụ đổ bộ là một bước ngoặt quan trọng.

“Đó là bước đầu nhờ đó Ðồng minh có khả năng trở lại châu lục. Phía Ðức đã dựng lên một pháo đài khổng lồ để ngăn đồng minh trở lại.”

Thiếu tướng Bruno Cairucoli là tùy viên quốc phòng tại Ðại sứ quán Pháp ở Washington. Thân phụ ông 94 tuổi đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai.

“Ðiều mà thân phụ tôi thực sự giải thích cho tôi nhiều lần là tầm quan trọng củ việc phải sẵn sàng bảo vệ cho những gì không thực sự có sẵn: đó là quyền tự do, dân chủ, vân vân.

Trong văn phòng ông có treo một bức hình - nhắc nhở những hy sinh đã được thực hiện trong Thế chiến thứ hai.

“Bức hình này cho thấy bãi biển Omaha, Omaha đẫm máu với hai lá cờ Mỹ và Pháp cùng tung hay và khoảng 3.000 sinh linh tạo thành cụm từ: Chúng ta sẽ Không bao giờ Quên, và ở bên trên, ngay trên bãi biển Omaha, là Nghĩa trang Coleville.”

Nhiều người đã chết để đem lại thành quả tốt đẹp cho cuộc đổ bộ, nhưng sự hy sinh của họ đã mở đường cho việc Ðức Quốc Xã đầu hàng vào tháng 5 năm 1945.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1028 guests

cron