Các biện pháp được thi hành gồm việc gửi 600 binh sĩ Mỹ đến dự các cuộc tập trận tại các quốc gia Baltic và Ba Lan. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã phái 12 phản lực cơ chiến đấu F-16 đến Ba Lan. Washington cũng đã phê chuẩn một kế hoạch viện trợ cho Ukraine bao gồm 8 triệu đôla về tiếp liệu phi sát thương như thiết bị phát hiện bom và máy vô tuyến cầm tay.
Các biện pháp của NATO không đủ đối với Ukraine
Ông Stephen Blank, chuyên gia về Nga của Hội đồng Chính sách Ðối ngoại Mỹ, nói các biện pháp của NATO là không đủ:
“Tôi cho rằng nó chẳng gửi đi được chút thông điệp nào cả. Ðó là một thông điệp trấn an cho người Ba Lan và các nước vùng Baltic. Nó không ngăn cản được Tổng thống Nga Vladimir Putin chút nào cả. Ðiều ngăn ông Putin là nếu NATO gửi không và bộ quân và các hệ thống phòng không đến Ukraine theo lời yêu cầu của chính phủ Ukraine. Ðiều đó sẽ có tác dụng ở Moscow, nhưng họ sẽ không làm như vậy.”
Ông Ian Brzezinski, thành viên cấp cao của Hội đồng Ðại Tây Dương, nói có nhiều biện pháp khác mà NATO có thể tiến hành để giúp Ukraine.
“Các biện pháp này gồm việc cung cấp viện trợ quân sự trước tiên và trên hết cho người Ukraine ngoài viện trợ phi sát thương. Tôi sẽ bao gồm cả vũ khí chống tăng, phi đạn địa đối không, những thứ thực sự gây thiệt hại cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Thứ nhì, tôi sẽ khuyến khích phương Tây, lý tưởng là NATO, nhưng có lẽ một liên minh các nước Âu châu và Bắc Mỹ, bố trí các phương tiện tình báo – các dàn thám báo ở Ukraine và các huấn luyện viên.”
Chính sách Phòng thủ Tập thể của NATO
28 nước thành viên của NATO cam kết với khái niệm “phòng thủ tập thể,” chứa đựng trong điều khoản số 5 của Hiệp ước NATO.
Nhưng chuyên gia về Nga của trường Ðại học Wesleyan ở Ohio, ông Sean Kay, nói Ðiều 5 không phải là một bảo đảm về an ninh tự động.
Ông phân tích: “Nếu ta nhìn kỹ vào Ðiều 5, thì điều này nói rằng một cuộc tấn công vào một nước sẽ bị coi như một cuộc tấn công vào tất cả và các đồng minh sẽ họ và tham khảo ý kiến về cách đáp ứng thích đáng, kể cả về quân sự. Phương cách đã được coi như tự động trong thời Chiến tranh Lạnh, là qua việc bố trí trước quân đội Hoa Kỳ ở biên giới bên trong nước Ðức. Ngày nay, chính sách của chúng ta là chính sách củng cố và hiện diện trước mang tính tượng trưng, bây giờ là qua những cuộc diễn tập luân phiên đó (ở các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan.)”
Ông Kay nói ông không tin rằng liên minh Tây phương sẽ bố trí một con số khổng lồ binh sĩ ở các nước thành viên NATO ở Ðông Âu, cho dù cuộc khủng hoảng giữa Ukraine và Nga có trầm trọng thêm.
Ông Kay nói: “Chúng ta sẽ phải rất thận trọng về việc đó, bởi vì chúng ta có thể nghĩ ngay cả nếu như Hoa Kỳ muốn làm như thế, chúng ta cũng không đạt được sự đồng thuận giữa các đồng minh NATO cho một việc như vây. Và chúng ta phải làm theo một cách để duy trì sự đồng thuận nữa, bởi vì NATO có thể tan rã về mặt chính trị nếu bị thúc đẩy quá mạnh về vấn đề đó.”
Cuộc khủng hoảng Ukraine chưa phải là Chiến tranh Lạnh
Ông Charles Kupchan, của trường Ðại học Georgetown, nói qua việc sáp nhập Crimea và tìm cách gây mất ổn định ở miền đông Ukraine, Nga đã giơ nanh vuốt theo một lối mà nước này đã chưa làm kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
“Nhiều người nay nói rằng chúng ta hiện phải mở to cả hai mắt để đối phó với Nga. Chúng ta hiện cần phải lôi ra khỏi tủ các kế hoạch của NATO để bảo vệ biên giới phía đông. Chúng ta cần phải suy xét một tập hợp các biện pháp chính trị và kinh tế để đáp lại nếu ông Putin vào miền đông Ukraine và tiếp tục quấy rối.
Ông Kupchan nói cuộc khủng hoảng hiện thời chưa đi đến mức một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng ông nói nó có tiềm năng đi theo một hướng đáng lo ngại, tùy thuộc vào các động thái tiếp theo của điện Kremli.