Các chuyên gia nói rằng tuy ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có nhiều tinh thần trách nhiệm hơn, các phát biều của ông thật ra lại củng cố cho quyền hành của đảng đối với ngành tư pháp.
Theo nhận định của nhà khoa học chính trị Lâm Hòa Lập ở Hồng Kông, với hành động bất thường là đích thân chủ tọa cuộc họp, ông Tập Cận Bình muốn cho thấy vai trò lãnh đạo của ông trong guồng máy an ninh quốc gia. Ông Lâm nhận định:
"Ðiều ông Tập Cận Bình tuyên bố hôm qua là đảng phải nắm quyền kiểm soát chặt chẽ bộ máy pháp luật và tư pháp. Ðây là một bước lùi. Chúng ta đang chứng kiến một sự quay lại với một chính quyền độc đoán hơn, mang tính cách độc tài nhiều hơn."
Trong bài phát biểu, ông Tập nói đảng phải dẫn đầu trong việc lập pháp, bảo đảm việc chấp hành pháp luật và làm gương cho việc tuân hành luật pháp.
Tân Hoa Xã trích lời ông Tập nói, “Cán bộ không được vượt qua các giới hạn luật lệ, lạm dụng quyền thế và bẻ cong luật pháp để thủ lợi cá nhân.”
Những tuyên bố như thế được coi là nằm trong khuôn khổ của luận điệu của giới lãnh đạo mới nhằm thanh lọc hàng ngũ, nhất là trong các cơ quan tư pháp và an ninh.
Học giả Hà Gia Hồng nói những lời cảnh báo như thế có mục đích đối phó với tình trạng là dân chúng đã mất tin tưởng vào hệ thống tư pháp. Ông nói:
"Trong những năm gần đây, một số khiếm khuyết trong hệ thống pháp lý Trung Quốc đã trở nên rõ ràng, tỷ như những vụ kết án sai trái, và những yêu sách của dân chúng đòi công lý đã gia tăng."
Ông Tập cũng hô hào cho việc xây dựng một hệ thống trách nhiệm cho các tòa án và các công tố viên, nhưng ông không cho biết chi tiết về cách thức hệ thống sẽ vận hành như thế nào.
Ông Hà Gia Hồng nói một sự giám sát như thế là một bước cần thiết để tránh những sai phạm trong tương lai:
"Chúng ta cần phải buộc tất cả nhân viên ngành tư pháp phải chịu trách nhiệm về công tác của họ. Những vụ kết án sai trái đã xảy ra trước đây bởi vì các tòa án địa phương không chịu trách nhiệm đối với công việc của họ."
Năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp để thay đổi một vài tập tục gây tranh cãi nhiều nhất, tỷ như chế độ giam giữ mà không xét xử, còn gọi là lao giáo.
Tối cao Pháp viện Trung Quốc đã đề ra các biện pháp để ngăn chặn các quyết định tư pháp bất công, kể cả việc chính thức lên án các vụ cưỡng bức thú tội và bách hại luật sư.
Giáo sư Lâm Hòa lập nhận định như sau về diễn tiến này:
"Có một thông điệp chung là toàn thể bộ máy chính trị và pháp luật, kể cả ngành tư pháp, phải làm tốt hơn công tác giải quyết những mâu thuẫn trong dân chúng. Nhiều vụ bạo động và rối loạn đã diễn ra bởi vì hệ thống pháp luật và tòa án rất thối nát."
Các chuyên gia cho rằng qua việc loại trừ những hình thức lạm dụng trắng trợn nhất, đảng Cộng sản Trung quốc đang tìm cách xoa dịu sự bất bình của công chúng trong khi vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với các tòa án và công an, cảnh sát.
Theo Tân Hoa Xã, các cuộc thăm dò công luận thực hiện trong những tháng gần đây cho thấy công chúng có nhận thức cao về công cuộc cải cách pháp lý của Trung Quốc và cảm giác được an toàn của người dân, cũng như sự hài lòng của họ đối với hệ thống pháp lý, cũng đang trên đà gia tăng.
Tân Hoa Xã cho rằng sự kiện này có liên hệ chặt chẽ với cách thức xử lý của đảng về vấn đề luật pháp.