Lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản đã gặp nhau tại Tokyo trong những ngày gần đây và nhất trí về tầm quan trọng của tự do đi lại trong không phận và lãnh hải quốc tế ở khu vực.
Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc thông báo việc mở rộng gây tranh cãi về Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của nước này.
Bất kỳ máy bay muốn bay vào vùng ADIZ mở rộng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông đều cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Nhưng khu vực đó cũng nằm trên vùng mà cả Nhật Bản và Nam Triều Tiên đều tuyên bố chủ quyền. Hành động của Bắc Kinh đã gây ra sự phản đối từ cả Seoul, Tokyo và Washington, và các nước này cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng.
Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp giữa ASEAN và Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ việc mở rộng.
Ông Abe nói với phía Trung Quốc rằng: Nhật Bản kêu gọi rút mọi biện pháp đã vi phạm các nguyên tắc chung về tự do đi lại theo luật quốc tế.Ông nói thêm rằng Nhật Bản không có ý định thay đổi chính sách của chính phủ nước này về việc khuyên nhủ các công ty hàng không tư nhân của Nhật tiếp tục các hoạt động bình thường theo như quy định.
Quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc.
Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu của lực lượng tuần duyên và máy bay quân sự tới tuần tra gần khu vực vừa kể. Các giới chức Trung Quốc khẳng định các hòn đảo thuộc về Bắc Kinh và thường xuyên lên án những lời chỉ trích Nhật Bản là vô căn cứ.
Thế bế tắc về các hòn đảo ở biển Hoa Đông cũng giống như những gì đang xảy ra ở biển Nam Trung Hoa. Tại đó, Trung Quốc tuyên bố nhận chủ quyền hầu hết lãnh hải, đưa ra các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các thành viên các nước ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Đại sứ Trung Quốc tại Manila tuyên bố rằng Bắc Kinh có quyền tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không tương tự ở biển Nam Trung Hoa.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng lập trường hung hăng của Trung Quốc về vùng lãnh thổ tranh chấp đã làm mất vị thế ngoại giao của nước này tại Đông Nam Á, và giờ Nhật Bản đang tìm cách để giành lấy điều đó.
Tại hội nghị thượng đỉnh, Nhật Bản cam kết 19 tỷ đôla viện trợ và khoản vay cho khu vực ASEAN cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng.
Thủ tướng Nhật Bản Abe cung cấp cứu trợ nhằm giúp phục hồi sau cơn bão Haiyan cũng như cung cấp các tàu tuần duyên cho Philippines. Ông cũng đề nghị cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam.
Và trong khi ông vẫn chưa tới Bắc Kinh, ông Abe đã đến thăm tất cả mười quốc gia thành viên trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, cũng giống như với Nhật Bản, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của ASEAN và một số thành viên vẫn còn có quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh.
Ông Jeff Kingston, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple của Nhật Bản nói rằng hiện ASEAN đang muốn lôi kéo Nhật trở thành đối trọng với Trung Quốc.
“Khi ông Abe tới thăm khu vực, ông quảng bá điều gọi là ‘Vòng cung Tự do và thịnh vượng’ dựa trên các giá trị chung. Và khái niệm này rõ ràng nhắm vào việc khống chế Trung Quốc. Và hồi năm 2007, khái niệm đó đã được đón nhận một cách khá lạnh nhạt. Giờ tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã hảnh động đáng sợ hơn. Và chính vì thế tôi nghĩ rằng sự đón nhận thức đã nhiệt thành hơn và tôi nghĩ rằng các nước ASEAN đang ở trong một thế thủ."
Nhấn mạnh tới tiềm năng xảy ra xung đột với Trung Quốc, Hải quân Mỹ cho biết hôm thứ Bảy rằng một trong những tàu tuần dương có phi đạn dẫn đường đã bị buộc phải đổi hướng sau khi một tàu chiến Trung Quốc dừng lại trên đường đi của các tàu này hồi tuần trước tại Biển Ðông.
Các giới chức Ngũ Giác Ðài nói rằng tàu tuần dương Hoa Kỳ USS Cowpens đang ở trong vùng biển quốc tế để theo dõi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc. Họ nói rằng một tàu của Trung Quốc nhỏ hơn đã di chuyển trước tàu của Mỹ, buộc nó phải dừng lại hẳn.