Cảnh báo vừa kể được đưa ra hôm thứ tư trong một bản phúc trình thường niên của Ủy ban Duyệt xét Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc, là ủy ban tư vấn cho các nhà lập pháp Mỹ về chính sách liên quan tới Bắc Kinh.
Phúc trình này cũng tố cáo chính phủ Trung Quốc “chỉ đạo và thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng qui mô lớn chống lại nước Mỹ.” Văn kiện này nói rằng có thể phải cần tới những biện pháp chế tài để góp phần ngăn chặn những hoạt động do thám của Bắc Kinh.
Trung Quốc chưa bình luận gì về những tố cáo trong phúc trình năm nay. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đã lên án bản phúc trình của ủy ban này về điều mà họ gọi là thái độ “Chiến tranh Lạnh.”
Tuy vẫn bị Hoa Kỳ vượt xa về chi tiêu quân sự, Trung Quốc đã không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng trong vài thập niên qua. Bắc Kinh cũng nhiều lần tuyên bố rằng sự trỗi dậy của họ có tính chất hòa bình.
Nhưng chủ tịch ủy ban, ông William Reinsch, nói rằng Trung Quốc có thái độ hung hãn hơn trong việc phóng chiếu sức mạnh của họ ở nước ngoài.
Ông Reinsch cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng những thủ đoạn “cưỡng ép” ở Biển Hoa Đông Trung Hoa và Biển Ðông, là nơi mà họ có những yêu sách chủ quyền chồng lấn với nhiều nước láng giềng. Ông Reinsch phát biểu như sau:
"Có một việc mỗi lúc một rõ ràng hơn. Đó là Trung Quốc không muốn giải quyết những vụ tranh chấp biển đảo thông qua những cuộc thương thuyết đa phương hay áp dụng luật pháp quốc tế và tiến trình phân xử, nhưng muốn dùng sức mạnh ngày càng tăng của họ để hậu thuẫn cho những thủ đoạn cưỡng ép nhằm gây áp lực để các nước láng giềng nhượng bộ trước những yêu cách của Trung Quốc."
Phúc trình được công bố trong lúc Tổng thống Barack Obama cam kết gia tăng nguồn lực kinh tế và quân sự cho khu vực này. Bản phúc trình hoan nghênh chiến lược có tên “xoay trục Châu Á” này, nhưng cũng ghi nhận là nhiều nước đồng minh của Mỹ đang lo ngại là những khó khăn về ngân sách có thể hạn chế khả năng của Washington nhằm thực thi chiến lược mới.
Để giải tỏa những mối lo ngại đó và để “ứng phó với khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc”, bản phúc trình đề nghị Quốc hội tiếp tục cung cấp ngân khoản cho những nỗ lực nhằm đưa 60% các chiến hạm Mỹ tới Thái Bình Dương trước năm 2020. Hiện nay, tỉ lệ này chỉ ở mức 50%.
Một thành viên của ủy ban, ông Larry Wortzel, nói với các nhà lập pháp rằng cần phải gấp rút hành động.
"Đến năm 2020, không quân và hải quân của Trung Quốc sẽ vượt trội về số lượng hoặc có khả năng kỹ thuật gần bằng khả năng của các lực lượng của chúng ta ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Một quân đội bị co cụm có thể không đủ để răn đe Trung Quốc hoặc để trấn an các nước bạn và các đồng minh của chúng ta trong khu vực."
Ủy ban cũng nói tới điều mà họ gọi là “một nhu cầu cấp bách” để Washington thuyết phục Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận đối với hoạt động gián điệp mạng, những hoạt động mà các nhà phân tích nói là gây ra những sự thiệt hại lên tới hàng tỉ đô la cho các công ty của Mỹ.
Ông Wortzel cho biết quân đội Trung Quốc xem không gian ảo là “một yếu tố cực kỳ quan trọng của sự cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ.”
"Chính phủ Trung Quốc đang chỉ đạo và thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng qui mô lớn. Chiến dịch này là một mối đe dọa rất lớn cho công nghiệp và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ và cho những hoạt động, nhân viên, khí tài và sự sẵn sàng của quân đội Mỹ."
Để góp phần làm thay đổi sự tính toán thiệt hơn của Trung Quốc, phúc trình nói rằng có thể phải cần tới các biện pháp chế tài. Văn kiện này nêu ra những lệnh cấm nhập khẩu, lệnh cấm du hành và những hạn chế khác về kinh tế như những hành động có thể thực hiện để chống lại những cá nhân hay tổ chức đánh cắp các thông tin bí mật của Hoa Kỳ.