Trong không khí nóng của buổi sáng mùa thu ở Hà Nội, hai cặp đồng giới trong trang phục như cô dâu và chú rể, tiến hành lễ cưới trước sự chứng kiến của khoảng 300 người, vẫy những lá cờ mang các sắc cầu vòng, và cầm những chiếc bong bóng đủ màu.
Hai cặp trao nhẫn cho nhau và rồi tung bó hoa cưới cho đám đông tràn ngập hân hoan. Một trong 2 cô dâu nói lên cảm nghĩ của mình trong một phát biểu ngắn:
“Chào các bạn, mình là Linh và hôm nay mình cảm thấy rất hạnh phúc vì đã được tổ chức một đám cưới cùng người mình yêu thương, và còn được các bạn ở đây ủng hộ và chúc phúc cho bọn mình, mình xin chân thành cám ơn.”
Lễ cưới này là một phần của lễ hội có tên là “Tôi đồng ý” (I Do) được cộng đồng LGBT - viết tắt từ tiếng Anh: Lesbian, gay, bisexual and transsexual gồm các giới đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới - tổ chức trên khắp nước. Trong 2 tuần lễ đã có trên 52.000 người nối kết vào trang mạng Facebook để thiết lập sự kiện này.
Trương Đức Anh, một thanh niên 18 tuổi có mặt tại lễ cưới nói rằng hôn nhân đồng tính là một đề tài quan trọng đối với Việt Nam:
“Tình yêu thì không có sai hoặc đúng, chỉ cần trái tim rung động, thì em nghĩ rằng tình yêu đồng giới họ cũng xứng đáng được nhận sự quan tâm của xã hội giống như tình yêu giữa những người dị tính.”
Lễ hội đang được tổ chức trước cuộc tranh luận, được hoạch định về vấn đề sửa đổi Luật Gia đình và Hôn nhân, tại Quốc hội vào ngày 5 tháng 11 tới đây.
Dự thảo luật không bao hàm vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nhưng bãi bỏ điều khoản cấm họ trong luật hiện hành và bao gồm cả những điều khoản cho các cặp đồng giới chung sống.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, iSEE, một trong những người tổ chức, nói ông tin rằng hôn nhân đồng giới nhiên hậu sẽ được hợp pháp hóa:
“Tôi tin vào con người và tôi nghĩ rằng khi mỗi một người đều cùng nói lên cảm nghĩ của mình thì mọi người phải lắng nghe cho dù anh là ai. Vì lẽ đó chúng tôi làm theo cách này. Chúng tôi vận động dư luận các giới như cộng đồng LGBT, sinh viên, giới trẻ, như vậy khi người dân nói lên ý kiến của mình, các chính trị gia phải lắng nghe. Và tôi tin rằng các chính trị gia cũng là người. Họ cần thời gian để thấu hiểu vấn đề.”
Thái độ đối với cộng đồng LGBT đã thay đổi rất nhiều trong mấy năm qua ở Việt Nam, nơi mà sự tin tưởng vào giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình vẫn còn là chuẩn mực. Cộng đồng LGBT đã phát triển tự tin hơn trong các hoạt động của mình, thậm chí còn mở các buổi tập huấn cho các ký giả địa phương để nâng cao tầm mức đại diện của giới đồng tính trong truyền thông địa phương.
Năm ngoái, hàng trăm người đã đạp xe qua trung tâm Hà Nội vào tháng 8 để mở đầu cho cuộc diễn hành Gay Pride đầu tiên của Việt Nam.
Một loạt hài kịch tình huống (sitcom) trên mạng có tên là “My Gay Best Friends” lan truyền nhanh chóng, thu hút trên 1,5 triệu người xem, và một nhà xuất bản đã cho ra mắt quyển tiểu sử đầu tiên của một người chuyển giới ở Việt Nam.
Viện trưởng Lê Quang Bình nhận định về tình huống hiện nay:
“Tôi nghĩ đã có rất nhiều thay đổi. Trước đây người ta nghĩ rằng đây là vấn đề nhạy cảm, vì vậy họ không muốn bàn đến. Tuy nhiên, hiện nay người ta sẵn sàng nói về điều này. Nhiều người ủng hộ cũng như nhiều người chống đối, tuy nhiên ít ra cuộc tranh luận xã hội diễn ra. Chúng tôi tin rằng đó là điều cần thiết
để thay đổi xã hội.”
Ông Bình nói ông nghĩ rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ mang lại một sự cổ súy lớn về cam kết của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Một đất nước mà trong những năm gần đây ngày càng bị chỉ trích về những giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận, đồng thời số blogger viết về chính trị bị kết án tù ngày càng nhiều.