Theo kế hoạch trước đây, Tổng thống Obama sẽ đến thăm 4 nước Châu Á; nhưng vụ giằng co chính trị dẫn tới chỗ chính phủ đóng cửa từng phần đã buộc ông phải hủy bỏ các chặng dừng chân ở Malaysia và Philippines. Hôm qua, nhà lãnh đạo Mỹ đã gọi điện thoại cho Thủ tướng Najib Razak và Tổng thống Benigno Aquino để xin lỗi.
Tòa Bạch Ốc hiện giờ vẫn chưa loại bỏ khả năng là ông Obama có thể sẽ phải hủy bỏ hai chặng dừng chân còn lại trong chuyến công du là Indonesia và Brunei.
Theo kế hoạch mới, ông Obama sẽ rời Washington vào tối thứ 7 để đến dự Hộïi nghị thượng đỉnh APEC trên đảo du lịch Bali. Sau đó, ông sẽ đến Brunei để dự Hộïi nghị thượng đỉnh Đông Á.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney cho biết mọi việc đang được đánh giá trên cơ sở từng ngày một. Ông nói thêm rằng vụ bế tắc hiện nay có thể được giải quyết nếu các dân biểu Cộng hòa cho phép tiến hành một cuộc biểu quyết mà ông gọi là “sạch sẽ” để chính phủ mở cửa lại.
"Một trách nhiệm quan trọng của tổng thống là du hành và thực thi chính sách ngoại giao, để thực hiện những cuộc thảo luận về tăng trưởng kinh tế và đầu tư ở nước Mỹ, để tạo công ăn việc làm. Hai cuộc họp thượng đỉnh ở Indonesia và Brunei mang lại cho nước Mỹ những cơ hội về kinh tế và an ninh. Và đó chính là lý do tại sao một chuyến đi như thế này là có ích và quan trọng đối với kinh tế và người dân nước Mỹ."
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đang có mặt ở Châu Á, sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Malaysia và Philippines.
Malaysia là một đối tác then chốt về kinh tế, an ninh và chống khủng bố trong chiến lược của ông Obama nhằm chuyển trọng tâm kinh tế và an ninh sang Châu Á. Nếu được thực hiện, chuyến đi đó sẽ là chuyến viếng thăm Malaysia đầu tiên của một vị tổng thống Mỹ tại chức kể từ năm 1966.
Trong khi đó, Philippines là nước có những mối quan hệ mật thiết lâu đời với Hoa Kỳ và là một trong 5 nước đồng minh có ký hiệp ước của Mỹ ở Châu Á. Mối quan hệ này đặc biệt quan trọng vì thời gian qua Trung Quốc đã có những hành động hung hãn trong những vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Ernie Bower, một chuyên gia Châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington, cho biết việc cắt ngắn chuyến công du có thể làm cho các đồng minh và đối tác của Mỹ cảm thấy lo ngại về khả năng của Washington để duy trì những cam kết đối với khu vực này.
"Họ sẽ có ngay những thắc mắc. Không phải là thắc mắc Tổng thống Obama có cam kết đối với khu vực hay không. Nhưng họ thắc mắc là hệ thống chính trị của Mỹ có duy trì được một sự tập trung chú ý trong một thời gian dài hay không và có để cho vốn liếng chính trị được chi tiêu cho những gì mà chính phủ Obama mô tả là một sự xoay trục sang Châu Á hay không."
Ông Michael Green từng làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W Bush. Ông cho biết một số người đang nói tới việc chiến lược xoay trục Châu Á đã bị mất đà tiến, nhưng ông cho rằng chính phủ Obama có thể khắc phục vấn đề này.
"Đây là một việc không tốt. Nó gây thương tổn cho chúng ta. Nó làm cho người ta chú ý nhiều nhất vì chúng ta nắm vai trò lãnh đạo mà tổng thống của chúng ta lại không thể tới được. Nhưng những việc như thế này xảy ra ở khắp nơi. Điều này không tốt. Nhưng vấn đề này có thể khắc phục được, nếu tổng thống và các viên phụ tá của ông thật sự nghiêm túc về chiến lược xoay trục để chủ động giao tiếp với Châu Á, nếu chúng ta thật sự dành nhiều nguồn lực cho khu vực này và thực hiện một số nỗ lực để bù đắp."
Trong lúc nói chuyện điện thoại với các nhà lãnh đạo của Malaysia và Philippines, Tổng thống Obama cho biết ông mong sẽ có thể đến thăm nước họ vào một lúc nào đó trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông.