Thông tấn xã chính thức MENA cho biết ông Morsi đã bị giữ 15 ngày để điều tra về những cáo buộc này. Không ai hay biết hay trông thấy lãnh tụ Hồi Giáo này kể từ ngày 3 tháng 7 khi ông bị quân đội lật đổ.
Các nhà điều tra đang xác định xem liệu ông Morsi có hợp tác với Hamas để tổ chức này giúp ông và những lãnh tụ Hồi Giáo khác vượt ngục trong cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011 hay không.
Một phát ngôn viên của Tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo của ông Morsi ngày hôm nay đã kích những cáo buộc này, và nói rằng đó là bằng chứng cho thấy chế độ của ông Mubarak đã trở lại cầm quyền.
Những lời cáo buộc được đưa ra vào lúc phe ủng hộ và phe chống đối ông Morsi dự trù tổ chức những cuộc biểu tình ồ ạt kình chống nhau ngày hôm nay, khơi ra những lo ngại bạo động tiếp tục. Những cuộc bạo động này đã làm hơn chục người thiệt mạng trong những tuần lễ gần đây.
Tư lệnh quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah el-Sissi đã kêu gọi “tất cả những người Ai Cập khả kính” ra đường phố để ủy nhiệm cho ông chống lại điều ông gọi là “bạo lực và khủng bố.”
Nhiều người Hồi Giáo xem tuyên bố này như là mở đầu cho một cuộc đàn áp bạo động và kêu gọi biểu tình chống lại. Quân đội Ai Cập gần đây đã dùng từ “bạo động và khủng bố” để chỉ những hành động của Huynh đệ Hồi Giáo của ông Morsi.
Một phát ngôn viên quân đội cho rằng tuyên bố của tướng Sissi không nhằm vào một tổ chức chính trị nào cả. Trong khi ông nói quân đội tôn trọng những cuộc biểu tình ôn hòa, ông cũng bày tỏ quyết tâm của quân đội là đối phó với bất cứ bạo động nào với “quyết tâm và sức mạnh.”
Các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ quan ngại về bạo động gia tăng, sự phân cực trong xã hội Ai Cập, và việc quân đội trấn át những lãnh tụ của Huynh đệ Hồi Giáo.
Ngày hôm qua, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi hai bên tự chế, nói rằng ông ủng hộ quyền của người Ai Cập tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa.
Ông cũng nói quân đội Ai Cập nên “chấm dứt những cuộc bắt giữ tùy tiện và những hình thức quấy nhiễu khác.”
Ông nói ông Morsi và những thành viên khác của Huynh đệ Hồi Giáo bị bắt giữ nên được trả tự do hay duyệt xét lại những trường hợp của họ.
Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về việc tướng Sissi kêu gọi biểu tình. Vài giờ sau bài diễn văn ngày thứ Tư, chính quyền Obama loan báo hoãn chuyển giao 4 máy bay phản lực chiến đấu F-16 cho quân đội Ai Cập.
Nhưng hôm qua, Tòa Bạch Ốc tuyên bố điều được xem như là một thắng lợi của quân đội Ai Cập qua thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ không xem việc lật đổ chính phủ như là một cuộc đảo chánh. Nếu bị xem như là một cuộc đảo chánh thì Hoa Kỳ sẽ phải ngưng viện trợ quân sự và kinh tế to lớn cho Ai Cập.
Quân đội đã phủ nhận cáo buộc là hành động của quân đội là một cuộc đảo chánh. Quân đội nói có nghĩa vụ phải lật đổ ông Morsi, tổng thống được dân bầu đầu tiên của Ai Cập, tiếp sau những ngày biểu tình rầm rộ chống lại sự cai trị của ông.
Quân đội Ai Cập chế ngự chính trị Ai Cập trong nhiều thập niên cho đến khi có cuộc lật đổ cựu tướng và Tổng thống Hosni Mubarak. Quân đội có một lịch sử lâu đời thù nghịch với Huynh đệ Hồi Giáo là đảng chính trị được tổ chức qui củ nhất của Ai Cập.