Những tiếng động của xe ủi đất và máy cưa đã phá tan bầu không khí yên tĩnh của một nơi từng là rừng già của tỉnh Aceh. Cây cối ở cánh rừng này giờ đây đã được phá sạch để chuẩn bị trồng cây dầu cọ.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đang quan tâm tới một kế hoạch của chính quyền tỉnh Aceh mà họ nói là sẽ mở cửa những khu rừng được bảo vệ cho những hoạt động khai thác gỗ, khai thác khoáng sản và lập đồn điền dầu cọ.
Các giới chức chính quyền trung ương đã tìm cách giải tỏa những mối lo lắng. Họ nói rằng kế hoạch này chỉ ảnh hưởng tới một phần rất nhỏ của những khu rừng được bảo vệ. Ông Mas Achmad Santosa, người phụ trách vấn đề pháp lý của nhóm công tác của tổng thống về phát triển lâm nghiệp, cho biết như sau.
Ông Santosa nói: "Vâng, diện tích rừng sẽ bị giảm đi, nhưng không giảm nhiều như số lượng mà báo chí tường thuật. Chúng tôi cũng khuyến khích vị tỉnh trưởng thực hiện một cuộc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường. Nếu làm như vậy, vị tỉnh trưởng sẽ dễ dàng hơn trong việc quyết định xem những hoạt động kinh tế nên được thực hiện ở đâu và những khu vực nào nên được bảo tồn, nên được bảo vệ."
Hôm thứ hai, ngày 10 tháng 6 vừa qua, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố sự phát triển kinh tế của Indonesia không nên gây thiệt hại cho tính chất lâu bền của môi trường và ông đã chỉ thị cho các chính quyền khu vực chấp hành các luật lệ của quốc gia.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường nói rằng những mối quan tâm của họ không giới hạn ở chỗ bao nhiêu diện tích rừng sẽ bị mất đi, mà họ còn lo ngại về những vấn đề phát sinh từ việc phá hủy những khu rừng ở Aceh.
Ông Yuyun Indradi của tổ chức Hòa bình Xanh cho biết như sau.
"Hầu hết những khu rừng được bảo vệ là nằm trong những vùng núi non, nằm ở đầu nguồn nước. Nếu cây cối ở khu vực được bảo vệ bị chặt phá, điều đó sẽ gây ra nạn hạn hán, thiếu nước và những trận lũ quét."
Đảo Sumatra của Indonesia đã mất đi gần phân nửa diện tích rừng trong 30 năm qua. Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường nói rằng nạn phá rừng cũng làm nảy sinh những hoạt động mua bán trái phép các loại động vật hoang dã và có thể làm cho một số chủng loại bị tiêu diệt trong vòng 20 năm tới đây.
Họ cũng cảnh báo rằng nạn phá rừng gây nguy hại cho nguồn cung ứng nước, góp phần tạo ra lụt lội và gây thương tổn nghiêm trọng cho các cộng đồng mà sinh kế lệ thuộc vào rừng.
Ông Muhammad Uria là thành viên của một liên minh đang tranh đấu để cứu nguy cho các khu rừng xung quanh vùng Aceh Tamiang. Đây là một trong những phần đất ở tỉnh Aceh mà những hoạt động khai thác gỗ đã phát triển mạnh nhất.
Ông Uria nói: "Vùng này là một vùng quan trọng vì nó là một khu vực giữ nước. Chúng ta phải bảo vệ vùng này vì khi rừng bị phá thì lụt lội sẽ xảy ra. Bây giờ chỉ cần trời mưa trong hai giờ đồng hồ là làng mạc ở bên dưới bị lụt nặng."
Tuần trước, ông Uria và những thành viên khác của liên minh đã đến gặp các nhà lập pháp địa phương để yêu cầu họ giải quyết vấn đề phá rừng. Cho tới giờ họ chưa nhận được phúc đáp.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, chính quyền tỉnh Aceh đã họp tại Jakarta với một số tổ chức bảo vệ môi trường, trong đó có tổ chức Hòa bình Xanh. Cuộc gặp gỡ này đã làm giảm bớt những mối lo ngại về nạn phá rừng trên diện rộng.
Tổng thống Yudhoyono đã thừa nhận thách thức mà chính phủ của ông đang đối mặt. Năm 2011 ông đã ký một lệnh cấm, không cho cấp thêm giấy phép khai thác rừng cho tới năm 2015.
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng lệnh cấm này chỉ bảo vệ một số nhỏ các khu rừng già ở Indonesia và không được chấp hành một cách nghiêm chỉnh.
Ông Santosa của nhóm công tác của tổng thống thừa nhận rằng một số công ty đã vi phạm pháp luật và công việc của ông là thúc giục chính quyền tỉnh Aceh tăng cường công tác chấp hành luật pháp.
Ông Santosa nói: "Chúng tôi phải bảo đảm là không có sự can thiệp của chính trị, không có sự can thiệp của tiền bạc, không có sự can thiệp của quyền lực."
Tình hình ở Aceh nghiêm trọng hơn những nơi khác ở Indonesia, vì qui chế tự trị đặc biệt của tỉnh này làm cho chính phủ ở Jakarta có ít quyền hạn hơn trong việc chấp hành những luật lệ về môi trường.
Năm ngoái, vị tỉnh trưởng mới của Aceh đã giải tán một cơ quan có nhiệm vụ giám sát những phần đất có sự đa dạng sinh thái thuộc hạng cao nhất thế giới. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường nói rằng vì cơ quan quản lý này không còn tồn tại nên họ càng khó biết được những gì đang xảy ra trong các khu rừng.