Nếu kết luận của phúc trình này là đúng thì coi như thế giới đã không đạt được chỉ tiêu do Kế hoạch Phát triển Thiên Niên Kỷ (MDG) đề ra.
Ông Bruce Gordon, phối hợp viên về nước uống, vệ sinh và sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng phúc trình đưa ra hôm thứ Hai là một hồi chuông thức tỉnh:
“Trong bối cảnh thời gian của Kế hoạch Phát triển Thiên Niên Kỷ sắp đến hạn, chỉ còn độ 1.000 ngày nữa hay đại khái như vậy, chúng ta thấy rất rõ rằng nếu không làm một cái gì rất khác đi, chỉ tiêu về vệ sinh sẽ không đạt được.”
Mục số 7 của Kế hoạch Phát triển Thiên Niên Kỷ đề ra chỉ tiêu là đến cuối năm 2015, số người không có điều kiện sử dụng các phương tiện nhà cầu sạch sẽ, đáng tin cậy phải giảm phân nửa, so với con số được báo cáo vào năm 1990.
Nhưng theo phúc trình này, nếu xu hướng hiện nay cứ tiếp tục, sẽ có 2,4 tỉ người sống trong điều kiện vệ sinh chưa được cải tiến, có nghĩa là kém 8% chỉ tiêu do Kế hoạch Phát triển Thiên Niên Kỷ đề ra.
Ông Gordon nói rằng cần phải có một chiến dịch mạnh mẽ để lấp khoảng cách này.
Ông nói rằng một trong những điều có thể làm là tại các khu vực nông thôn, bởi vì các thành thị bỏ ra rất nhiều tiền cho các hệ thống vệ sinh phức tạp, trong lúc các khu vực nông thôn chẳng có gì:
“Có một vấn đề lớn về vệ sinh tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vấn đề đi cầu ngoài trời. Chúng ta phải làm thế nào để các nguồn lực hiếm hoi được hướng về khu vực này, là nơi có vấn đề lớn về vệ sinh cơ bản.”
Theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2011, có khoảng một tỉ người trên thế giới vẫn đi cầu ngoài trời, và hết 90% trường hợp đi cầu ngoài trời xảy ra ở các vùng quê.
Ông Gordon nói rằng điều kiện vệ sinh thiếu thốn dẫn đến yếu kém về sức khỏe, giáo dục và kinh tế. Ngân hàng Thế giới ước tính mất mát kinh tế toàn thế giới do điều kiện vệ sinh yếu kém lên đến 260 tỉ đôla một năm.