Báo chí trong nước cho hay hàng trăm dân địa phương sáng ngày 8/4 kéo về bao vây Ủy ban Nhân dân xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) yêu cầu giới hữu trách giải thích về cái chết đáng ngờ của ông Nguyễn Văn Quệ, 47 tuổi, một cư dân trong xã.
Nạn nhân bị thiệt mạng sau khi công an huyện đến truy quét một nhóm đánh bạc vào tối hôm trước.
Các nhân chứng cho hay khi dân chúng kéo đến xem thì thấy ông Quệ đã sùi bọt mép, ngã quỵ trong trạng thái hai tay bị còng.
Nghi ngờ công an gây ra cái chết của ông Quệ, gia đình và dân địa phương đã gọi xe cấp cứu chở xác nạn nhân đến trụ sở Ủy ban xã để yêu cầu xác minh vụ việc.
Người nhà nạn nhân nói ông Quệ chỉ đến xem đánh bạc trong khi công an huyện cho rằng ông có tham gia đánh bạc.
Vẫn theo công an thì khi lực lượng thi hành công lực tới hiện trường canh bạc, ông Quệ bỏ chạy và tự ngã quỵ sau đó.
Đến chiều ngày 8/4 xác nạn nhân vẫn còn ở trụ sở Ủy ban Nhân dân xã với hàng trăm dân chúng chầu chực công lý.
Vụ này xảy ra chỉ vài tuần sau vụ bất ổn ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hôm 17/3 khi hàng ngàn người biểu tình đưa quan tài đến trước trụ sở Ủy ban tỉnh để đòi công lý xuất phát từ việc một thanh niên tên Nguyễn Tuấn Anh bị sát hại mà người nhà nghi là có liên can đến con rể Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Cuộc biểu tình đó đã nhanh chóng bị trấn dẹp nhưng vụ án vẫn còn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận với các tình tiết “bí ẩn” gây ngờ vực về sự liên hệ giữa con rể ông Chủ tịch tỉnh vốn là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng với 6 nghi can là cát tặc có tiền án hiện đã bị bắt.
Trong lúc người dân chưa tìm được công lý trong vụ này, giới hữu trách Vĩnh Phúc tuyên bố sẽ điều tra xử lý những ai kích động gây nên vụ biểu tình.
Giữa bối cảnh nạn công an bạo hành ngày càng gia tăng gây bất bình công luận chưa được giải quyết, Bộ Công an Việt Nam kiến nghị được phép nổ súng vào những người chống lại lực lượng thi hành công vụ. Dự kiến giữa năm nay Bộ sẽ trình lên Chính phủ để ban hành nghị định này.
Một bạn trẻ tên Cao nằm trong số những người phản đối đề xuất này, nói với VOA Việt ngữ:
“Đây là nghị định đúng, là công cụ trấn áp tội phạm, nhưng được đưa ra thời điểm này là chưa hợp lý. Việc đầu tiên Bộ Công an nên làm là cải thiện mối quan hệ giữa công an và người dân vì nghị định này rất dễ bị lạm dụng khi mối quan hệ giữa công an và nhân dân không được tốt đẹp như tình hình hiện nay.”
Phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới 2013 của tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch công bố hồi tháng 2 năm nay nói tình trạng công an bạo hành trong năm qua vẫn tiếp tục được báo cáo tại tất cả các vùng miền trên cả nước tại Việt Nam và số nạn nhân tử vong vì tay công an không ngừng gia tăng, bao gồm việc tra tấn và đánh chết người trong khi giam giữ.
Theo số liệu truyền thông nhà nước loan báo chưa được kiểm chứng độc lập, trong 9 tháng đầu năm rồi, có ít nhất 15 nạn nhân thiệt mạng khi bị công an giam giữ.