Khi một luật mới ở Ấn Độ cho phép cấp bằng sáng chế cho các loại dược phẩm lần đầu tiên vào năm 2005, nhiều người lo ngại là việc này sẽ tác động tiêu cực tới công nghiệp dược phẩm trong nước. Công nghiệp này vốn đã phát triển mạnh qua việc làm nhái những loại thuốc do các công ty Tây phương sản xuất và bán ra trên thị trường với giá rẻ.
Tuy nhiên, công nghiệp dược phẩm không nhãn hiệu đã thành công trong việc chống lại sự cạnh tranh của các công ty dược phẩm đa quốc muốn bán trên thị trường Ấn Độ những loại thuốc có bản quyền sáng chế và mang lại nhiều lợi nhuận. Và việc Tối cao Pháp viện bác bỏ yêu cầu cấp bằng sáng chế cho thuốc Glivec, một loại thuốc trị ung thư do Novartis sản xuất, đã làm cho vị thế của các công ty dược phẩm Ấn Độ trở nên vững mạnh hơn.
Ông Amit Backliwal, người đứng đầu các hoạt động ở Nam Á của IMS Health, một công ty chuyên cung cấp thông tin về y tế, cho biết như sau.
"Sau khi luật mới được ban hành 7 năm, chúng tôi không có nhiều sản phẩm có bản quyền sáng chế ở nước này. Vì thế cho nên, vấn đề bảo vệ cho công nghiệp địa phương hay vấn đề họ cảm thấy bị đe dọa bởi các công ty đa quốc, tôi không nghĩ là những vấn đề này sẽ phát sinh. Các công ty Ấn Độ đang chiếm lĩnh 60, 70% thị phần hoặc nhiều hơn thế nữa. Họ là những công ty phát triển nhanh nhất. Các công ty dược phẩm không nhãn hiệu là những công ty có giá trị trên thị trường vốn cao nhất, ngay cả sau khi các công ty đa quốc được niêm yết trên thị trường.
Tuy nhiên, những cuộc chiến pháp lý về quyền sáng chế thuốc men có thể sẽ gia tăng cường độ trong lúc các công ty dược phẩm đa quốc tìm cách để chiếm được một phần lớn hơn của thị trường đang nới rộng một cách nhanh chóng này. Số bán thuốc men ở Ấn Độ dự kiến sẽ từ con số 12 tỉ đô la hiện nay tăng lên tới 72 tỉ đô la vào năm 2020, trong lúc số bệnh nhân mắc các chứng bệnh kinh niên gia tăng ở quốc gia có dân số nhiều hàng thứ nhì thế giới.
Ông D.G Shah là một viên chức của Liên minh Dược phẩm Ấn Độ, đại diện các công ty lớn chuyên bào chế các loại thuốc không nhãn hiệu. Ông nói rằng việc giám sát chặt chẽ hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công nghiệp địa phương.
"Điều này sẽ bảo đảm là từ nay trở đi quyền sáng chế thứ nhì chỉ được cấp khi nào người sở hữu quyền sáng chế nguyên thủy có thể chứng minh rằng phiên bản mới của loại thuốc men đó góp phần gia tăng hiệu quả của thuốc. Điều này có ảnh hưởng lâu dài đối với công nghiệp trong nước. Đây là nơi mà lợi ích sẽ được mang lại người bệnh và các công ty sản xuất thuốc không nhãn hiệu."
Hôm thứ 3 vừa qua, một đơn vị của công ty dược phẩm Merck của Mỹ đã kiện Công ty Dược phẩm Glenmark của Ấn Độ vì đã sản xuất những loại thuốc không nhãn hiệu của hai thứ thuốc trị tiểu đường mà công ty Merck có bằng sáng chế. Hai thứ thuốc này là thuốc trị tiểu đường bán chạy nhất ở Ấn Độ.
Công nghiệp dược phẩm Ấn Độ cũng đang lo lắng theo dõi những nỗ lực của Liên hiệp Âu châu nhằm bao gồm những điều khoản trừng phạt nghiêm khắc đối với việc xâm phạm quyền sáng chế trong một thỏa thuận về mậu dịch tự do mà liên hiệp này đang thương lượng với Ấn Độ.
Tuy nhiên, công nghiệp chế thuốc không nhãn hiệu đang cảm thấy phấn khởi với phán quyết của Tối cao Pháp viện về vụ kiện Glivec. Họ nói rằng phán quyết tạo thêm khó khăn cho những công ty muốn kéo dài thời hạn có bản quyền bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong thành phần hóa học của một loại thuốc. Họ nói rằng luật lệ của Ấn Độ đề ra một tiêu chuẩn cao hơn các nước Tây phương, nơi mà các tòa án có xu hướng tán đồng việc kéo dài thời hạn hưởng bản quyền sáng chế.
Công nghiệp dược phẩm Ấn Độ cũng có thể hưởng lợi từ một qui định khác, thường được gọi là “bắt buộc cấp phép”, mở đường cho việc sản xuất các loại thuốc không nhãn hiệu giá rẻ.
Ấn Độ đã áp dụng qui định này lần đầu hồi năm ngoái để cho phép một công ty địa phương sản xuất loại thuốc không nhãn hiệu của thuốc trị ung thư thận Nexavar. Giới hữu trách New Dehli viện lý do là thuốc Nexavar của công ty Bayer của Đức đã được bán với giá quá cao.
Bayer được cấp quyền sáng chế cho thuốc Nexavar ở Ấn Độ vào năm 2008. Hiện giờ chỉ có Nexavar là loại thuốc mà công ty làm chủ bằng sáng chế bị buộc phải cấp phép sản xuất cho công ty ở Ấn Độ, nhưng việc này có thể tạo ra xu thế để các công ty Ấn Độ tìm kiếm thêm những giấy phép như vậy.