Tin BBC ngày 28/3 tường thuật rằng đa số các cơ quan ngôn luận chủ yếu của Trung Quốc, kể cả nhật báo Quân Đội Giải Phóng, đã lặp lại lập trường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rằng các tàu cá Việt Nam hoạt động trái phép tại quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa, và Bắc Kinh đã có những hành động “chính đáng và hợp lý” chống chiếc tàu Việt Nam, mặc dù không nói rõ những hành động đó là gì.
Bài xã luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo trích lời các giới chức hải quân Trung Quốc xác nhận rằng phía Trung Quốc đã bắn pháo sáng vào tàu Việt Nam, nhưng pháo cháy và tàn trước khi tới mục tiêu.
Trung Quốc bác bỏ hành động của họ đã gây thiệt hại cho tàu cá của Việt Nam và còn kêu gọi Hà nội hãy đẩy mạnh công tác giáo dục các ngư dân, để họ ngưng các hoạt động gọi là “bất hợp pháp ” trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trong một cuộc trao đổi với biên tập viên Beattie của đài VOA, ông Gabe Collins, đồng tác giả một tạp chí trên mạng chuyên phân tích các vấn đề Trung Quốc và đề nghị chính sách đối với nước này, nhận định rằng nếu thực sự hải quân Trung Quốc đã bắn pháo sáng vào tàu cá Việt Nam, thì hành động này leo thang đáng kể các căng thẳng trong vụ tranh chấp với Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 28/3, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland nhắc lại quan tâm của Washington về sự cố xảy ra hôm 20 tháng Ba.
Bà Nuland nói rõ ràng có sự khác biệt trong câu chuyện do hai phía thuật lại, và Washington yêu cầu Việt Nam và cả Trung Quốc hãy làm rõ những gì đã xảy ra.
Bà nói: “Quý vị cũng biết chúng tôi chống đối mạnh mẽ như thế nào mọi sự đe dọa, hoặc hành động dùng vũ lực hay hiếp đáp nào của bất cứ nước nào đòi chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi đang đảm bảo tất cả các bên phải bảo đảm an toàn hàng hải, và yêu cầu các bên hãy tự chế, đừng đưa ra bất cứ hành động nào có thể phương hại tới cơ may có thể giải quyết các vấn đề đó qua đường lối ngoại giao.”
Về việc hải quân Trung Quốc đưa tàu vào tập trận trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi Malaysia, và có thể đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Bà Nuland nói tiếp: "Cho tới khi nào khu vực phát triển được một chiến lược chung để xử lý và ngăn tránh các vụ tranh chấp, những hành động hung hăng để khẳng định chủ quyền có thể tăng rủi ro căng thẳng leo thang, hoặc rủi ro xung đột xảy ra, thế cho nên chúng tôi kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền hãy nghĩ tới điều đó khi lập kế hoạch tiến hành các chiến dịch quân sự như thế trên những vùng đất hiện có người ở hay không có người ở, có nguy cơ làm tăng căng thẳng hoặc dẫn tới những hậu quả không lường trước. Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước đòi chủ quyền trong vùng tranh chấp hãy tránh đưa ra những bước hành động có tính khiêu khích.”
Năm ngày sau khi xảy ra vụ việc, Hà Nội chính thức phản đối với Trung Quốc, nói rằng hải quân Trung Quốc đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam và đòi Bắc Kinh bồi thường.
Theo phía Việt Nam thì hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông.
Nguồn: US State Department, AFP, BBC