Thông tấn xã nhà nước Bắc Triều Tiên nói các dịch vụ Internet của nước này đã bị ảnh hưởng bởi ‘các cuộc tấn công tập trung và dai dẳng bằng virus máy tính’ diễn ra nhiều ngày trong tuần này.
Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên đổ lỗi cho Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Họ nói rằng hai nước này ‘sẽ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm’.
Một số người sử dụng Internet ở nhiều quốc gia khác nhau nhận thấy rằng trong gần như toàn bộ ngày thứ Tư và thứ Năm toàn bộ các website có tên miền .KP không thể truy cập được.
Một phát ngôn viên của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên không muốn nêu danh nói với đài VOA rằng cơ quan gián điệp này đang tìm cách truy tìm nguyên nhân khiến các website Bắc Triều Tiên không thể truy cập được trong thời gian dài chưa từng có.
Bắc Triều Tiên nói nước này không thể xem nhẹ vụ tấn công mạng trong khi các cuộc diễn tập quân sự chung có tên gọi ‘Key Resolve’ đang diễn ra ở miền nam.
Tham mưu trưởng liên quân Nam Triều Tiên nói rằng các cuộc tấn công mạng được cho là nhắm vào miền Bắc không có bất kỳ liên hệ nào tới cuộc tập trận ‘Key Resolve’.
Bộ chỉ huy của cuộc diễn tập nằm ở Trung tâm Mô phỏng Chiến trận Triều Tiên tại đơn vị Yongsan của quân đội Mỹ ở thủ đô Nam Triều Tiên.
Cuộc diễn tập này do tham mưu trưởng liên quân Nam Triều Tiên chỉ huy.
Một nhóm các phóng viên đã được cho phép vào trung tâm mô phỏng chiến trận này trong một thời gian ngắn để nghe Trung tá Elton Roberts của quân đội Mỹ giải thích về mục đích của cơ sở này:
"Đây là mô phỏng cuộc tập trận do máy tính hỗ trợ và được lên kế hoạch cũng như điều khiển bởi các chuyên gia đầu ngành. Cuộc tập trận này được thiết kế riêng cho mỗi cuộc diễn tập theo đúng mục đích diễn tập của chỉ huy đơn vị tham gia tập trận."
Hôm nay, có tiết lộ về một cơ sở mô phỏng tập trận mới, được thiết kế để đóng vai của lực lượng Bắc Triều Tiên, đã khai trương tại căn cứ không quân Suwon, cách Seoul 30 km về phía nam.
Còn trong cuộc tập trận ‘Key Resolve’, hàng trăm quân nhân từ Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã vào vai các lực lượng kẻ thù giả tưởng. Một thiếu tướng hồi hưu của Nam Triều Tiên đóng vai trò chỉ huy.
VOA đã hỏi chuyện ông Jude Shea thuộc lực lượng Hoa Kỳ tại Triều Tiên, giám đốc Trung tâm Chiến trận Giả tưởng Triều Tiên, rằng đã có khi nào Bắc Triều Tiên chiến thắng trong các cuộc tập trận giả này hay chưa:
"Có, đôi khi đối phương giành chiến thắng hoặc chiếm thế thượng phong. Và dĩ nhiên đó là lợi ích của các cuộc diễn tập vì nếu phe ta suốt ngày giành chiến thắng thì bài học từ các cuộc diễn tập không thực sự có hiệu quả bằng việc kẻ thù có lúc chiếm được ưu thế.”
Cuộc thao dượt ‘Key Resolve” có sự tham gia của hơn 3.000 quân nhân và tổng số 11 trung tâm mô phỏng chiến trận được nối mạng thông qua hệ thống máy tính và liên kết hình ảnh từ Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Các giới chức quân sự không công bố kịch bản cụ thể cho cuộc huấn luyện được máy tính sắp đặt trong cuộc tập trận ‘Key Resolve’bắt đầu hôm qua. Nhưng họ thừa nhận là tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là một nhân tố trong cuộc diễn tập này.
Bắc Triều Tiên đã mạnh mẽ lên án cuộc tập trận vừa kể cùng với một cuộc diễn tập riêng rẽ, trùng thời điểm khác có tên là Chim Ưng, cũng có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ. Bình Nhưỡng gọi đó là khúc dạo đầu dẫn tới một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào nước này.
Trong những ngày gần đây, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng các cuộc tập trận ở miền Nam buộc họ phải chuẩn bị cho khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min-seok từ chối bình luận trực tiếp về một bản tin của một tờ báo ở Seoul rằng miền Bắc đã chuyển các khẩu đại bác 170 li và các bệ phóng rocket 240 li tới gần đảo Baengyeong trong vùng ranh giới trên biển ở Hoàng Hải.
Ông Kim nói rằng các cuộc diễn tập như ‘Key Resolve” giúp miền Nam chuẩn bị ứng phó với các hành động khiêu khích của miền Bắc.
Bán đảo Triều Tiên đã bị tàn phá trong cuộc nội chiến kéo dài 3 năm hồi đầu những năm 50. Một hiệp định đình chiến đã có hiệu lực 60 năm qua. Nhưng miền Bắc tuyên bố rằng kể từ ngày 11/3 họ đã đình chỉ hiệp ước này.
Các giới chức Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Liên Hiệp Quốc nói rằng hiệp định ngừng bắn không thể bị bãi bỏ đơn phương và coi hiệp ước ký năm 1953 vẫn còn hiệu lực.