Ông Daniel, từ chối không cho biết họ của ông, là một người Armenia theo Chính Thống giáo, đã trốn khỏi Syria cách đây 3 tháng với vợ và 5 con.
Ông nói “Tôi phải đến đây vì chúng tôi là một giáo phái Cơ Đốc bị các tổ chức như Salafi, Huynh đệ Hồi giáo, và al-Qaida nhắm vào. Những người này đến và đuổi chúng tôi đi.”
Ông nói thêm là trước cuộc nội chiến, Syria là một quốc gia thế tục và mọi tôn giáo đều được dung thứ.
Ông Daniel, một thợ sửa xe ôtô 48 tuổi nói “Tại một ga-ra nơi tôi làm việc có những người Armenia, người Cơ Đốc giáo, người Hồi giáo, chúng tôi ăn uống với nhau, tôi đến nhà họ ăn. Chúng tôi không hỏi ai là người Hồi giáo hay Cơ Đốc giáo.”
Sau Ai Cập, Syria có số dân theo Cơ Đốc giáo lớn hàng thứ hai trong thế giới Ả Rập với khoảng 2 triệu tín đồ.
Ông Kamal Sioufi chủ tịch Trung tâm Di trú của Caritas Libăng, một tổ chức từ thiện Cơ Đốc giáo, lo ngại về tương lai của Cơ Đốc giáo tại Trung Đông.
Ông nói “Vấn đề là tại tất cả các quốc gia Trung Đông, con số người Hồi giáo gia tăng, con số người theo Cơ Đốc giáo lại giảm. Và tất cả quyền lực dành cho người Hồi giáo chứ không phải người theo Cơ Đốc Giáo.”
Những người thua cuộc trong cuộc nội chiến Syria có thể là những người theo Cơ Đốc giáo - hiện chiếm 10% dân số Syria.
Ông Sioufi nói thêm “Vấn đề là người thiểu số họ không có quyền hành nào cả tại Syria. Do đó họ là những công dân hạng hai.”
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc về Syria hôm thứ Năm cho biết giao tranh tại Syria làm gia tăng lằn ranh giáo phái.
Ông Paulo Pinheiro, chủ tịch Ủy ban cho biết “Một số cộng đồng thiểu số, gồm có những người theo Cơ Đốc giáo, người Kurd, người Turkmen, bị kẹt trong các cuộc tranh chấp, và trong một diễn biến mới trong tháng trước, và trong một vài trường hợp, họ bị bắt buộc phải cầm vũ khí để tự bảo vệ hay phải đứng về một bên trong cuộc tranh chấp.”
Tại Libăng, những người tị nạn Syria theo Cơ Đốc giáo khó theo dõi. Họ thường biến mất trong nhà của các người thân. Họ không đăng ký với cơ quan tị nạn quốc tế vì sợ sẽ làm hỏng cơ hội trở về Syria dưới chính phủ mới.
Ông Daniel có hai người em gái tại Beirut. Một trong hai người này là cô Lidia, cố nâng tinh thần của ông Daniel bằng cách hát bài “Đêm Yên lặng” bằng tiếng Armenia. Cô hứa sẽ chuẩn bị một bữa tiệc Giáng sinh theo truyền thống Armenia, hoàn chỉnh bằng món gà tây nhồi hạt dẻ, cơm có rắc hạt thông.
Tuy nhiên với một nửa đại gia đình còn kẹt lại Syria, ông Daniel lo ngại về tương lai của những người này.
Ông nhắc lại vụ tàn sát tập thể người Armenia tại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Vào năm 1915, ông cố tôi rất giàu có, phải bỏ tất cả và di tản. Vì vậy mà chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay. Và tôi bỏ mọi thứ cũng vì các con của tôi.”
Lễ Giáng sinh năm nay, món quà cho các con của ông có lẽ là đời sống.