Hãy nghĩ tới nơi bạn đã ở và những gì bạn sẽ làm cách đây 6 tháng. Và rồi nghĩ tới nơi bạn đã ở và những gì bạn đã làm cách đây 12 tháng.
Phi hành gia kỳ cựu của NASA Scott Kelly nói các câu hỏi đó có thể đem lại cho bạn một khái niệm rõ hơn về những gì đang chờ đợi ông và phi công vũ trụ Nga Mikhail Kornienko. Họ là hai nhà du hành không gian được chọn để ở lại một năm trên Trạm Không gian Quốc tế - thời gian dài hơn gấp đôi một phi vụ thường lệ.
Ông Kelly nói: “Mọi người đã gọi đây là một phi vụ ISS dài hạn, và tôi muốn nói rõ một vài điều: rằng 6 tháng là một phi vụ dài hạn. 6 tháng là một thời gian rất dài. Nếu bạn nghĩ lại bạn đã làm gì cách đây 6 tháng, thì chắc các bạn khó mà nhớ được.”
Phi vụ 12 tháng theo kế hoạch sẽ là phi vụ dài nhất từ trước đến nay trên Trạm Không gian Quốc tế.
Ông Kelly và ông Kornienko của Nga không phải là những người xa lạ với không gian - mỗi người đã từng ghi thành tích ở lại khoảng 6 tháng trên quỹ đạo. Hai nhà phi hành đã cùng tập luyện trước đây và cả hai đều nói họ trông đợi công cuộc hợp tác sắp tới.
Cơ quan không gian của Nga có nhiều kinh nghiệm hơn đối tác phía Hoa Kỳ về các phi vụ dài ngày hơn. 4 phi công vũ trụ đã ở lại khoảng 1 năm hay hơn nữa trên Mir, trạm không gian Nga đã ngưng hoạt động năm 2001.
Khoa học gia của NASA Julie Robinson nói các nhà khảo cứu biết rất nhiều về cách thức con người phản ứng với thời gian 6 tháng ở trong các điều kiện vi trọng lực, khi sức hút của trái đất rất yếu và mọi vật thể dường như không có trọng lượng.
Bà Robinson nói sẽ rút ra được rất nhiều lợi ích qua phi vụ dài ngày hơn theo kế hoạch này. Bà nói thêm rằng phi vụ Mir kéo dài 12 tháng lần cuối là vào năm 1999.
Bà Robinson nói: “Tất cả các bài học của Mir đã được hòa nhập vào Trạm Không gian Quốc tế, và chúng tôi thậm chí còn cải biến các điều kiện ban đầu của Trạm Không gian Quốc tế về cách thức duy trì sức khoẻ của phi hành gia qua phiên bản 2.0, về các thiết bị tập thể dục, các thủ tục tập luyện, các thủ tục dinh dưỡng. Ngoài ra các kỹ thuật về y khoa cũng đã tiến bộ đáng kể từ sau năm 1999.”
Bà Robinson nói một trong các mục tiêu của phi vụ dài ngày hơn là tìm hiểu liệu các thay đổi về thể chất sẽ đứng yên hay tiếp tục khi con người ở lại trong không gian lâu hơn.
Các khoa học gia đã nghiên cứu các ảnh hưởng của vi trọng lực đối với khối cơ bắp, sức khoẻ, thị lực và độ đặc của xương. Họ hy vọng tìm hiểu thêm về tác động của vi trọng lực đối với các hệ thống mạch máu trong não bộ, vì một số thành viên phi hành đoàn đã báo cáo có sự thay đổi về thị lực. Các nhà khảo cứu cũng muốn tính cách làm thế nào để huấn luyện tốt nhất cho các phi hành gia khi có một khoảng cách biệt lớn giữa thời gian họ học hỏi các hoạt động và thời gian họ phải thực hành các hoạt động đó.
Hai ông Kelly và Kornienko sẽ đáp một phi thuyền Soyuz của nga lên trạm không gian vào năm 2015 để bắt đầu ở lại trên quỹ đạo trong một năm.