Bức tranh Úc: Con người

PostThu Nov 29, 2012 2:50 pm

VOA - Arts and Entertainment

Nếu đặc điểm nổi bật nhất của xã hội Úc là tính chất đa dạng về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, việc nhận diện hình ảnh một người Úc điển hình như sự tò mò bình thường của những người chưa từng đặt chân đến Úc không phải là điều dễ dàng.

 

Trước đây, người ta thường hình dung người Úc là người da trắng, gốc Âu châu, đặc biệt từ Vương quốc Anh, nói tiếng Anh theo giọng Anh hơi bị bẹt ra một chút. Bây giờ, kết quả cuộc điều tra dân số mới nhất cho thấy hình ảnh ấy không còn chính xác nữa: Thứ nhất, với các đợt đi dân ào ạt trong mấy chục thập niên vừa qua, đặc biệt từ Á châu, sắc thái Âu châu của người Úc điển hình càng ngày càng giảm bớt. Tiếng Anh ở Úc cũng bị lai và đa dạng hơn. Phong cách sống cũng khác hẳn trước.

 

Ở đây, thay vì miêu tả cụ thể theo cảm tính hoặc theo kinh nghiệm, tôi sẽ dựa chủ yếu vào các số liệu trong các cuộc điều tra dân số cũng như các công trình nghiên cứu xã hội học để thử hình dung người Úc hiện nay như thế nào.

 

Trước hết, nếu là đàn ông, có nhiều khả năng người ấy đang làm việc toàn thời (63.9%); nếu là phụ nữ, phần lớn làm việc bán thời (67.9%). Nói chung, họ khá siêng năng: năm 2006, có 47.2% làm việc hơn 40 giờ một tuần; sau đó, chiều hướng có hơi giảm: vào năm 2011, tỉ lệ này chỉ còn 45.3%. Số lượng thất nghiệp của Úc rất thấp, khoảng trên dưới 5%.

 

Phần lớn người Úc làm việc trong văn phòng với những kỹ năng và trình độ học vấn nhất định. Đứng đầu là giới chuyên môn ở Úc, thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, từ nghệ thuật đến truyền thông, từ kinh doanh đến nhân dụng, từ tiếp thị đến quan hệ công chúng, từ khoa học đến kỹ thuật, chiếm 21.3% lực lượng lao động. Nhân viên hành chính chiếm 14.7%. Kỹ thuật viên chiếm 14.2%; giới quản trị chiếm 12.9%.

Gần 12% người Úc làm việc trong các lãnh vực chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội, bao gồm từ bác sĩ, nha sĩ, y tá và các nhân viên chăm sóc trẻ em cũng như người già. So với năm năm trước, số người làm việc trong hai lãnh vực này tăng 1%, trở thành một trong những lãnh vực thu hút nhiều lao động nhất tại Úc. Nhân viên phục vụ cá nhân và cộng đồng cũng rất đáng kể: 9.7%.

 

Số người làm việc trong kỹ nghệ  bán lẻ cũng rất đông, chiếm 10.5% lực lượng lao động. So với trước, con số này giảm 0.8%. Một phần có lẽ do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài khiến dân chúng ngần ngại trong việc mua sắm; phần khác, có khi quan trọng hơn, người ta dần dần chuyển thói quen mua sắm từ các cửa hàng đến hình thức trực tuyến vốn nhanh, gọn và rẻ hơn.

 

Giới lao động chân tay, như công nhân vệ sinh, xây dựng, thợ trong các xí nghiệp và hầm mỏ, nông dân, v.v.  chỉ chiếm 9.4%; so với trước, giảm 1.1%.

 

Người Úc tương đối chịu học. Năm 2011, có trên 2.3 triệu người có bằng Cử nhân, tăng từ 1.4 triệu vào năm 2001. Như vậy, trong vòng 10 năm, số người học xong đại học tăng gần gấp đôi. Tốc độ gia tăng của những người có bằng hậu đại học cũng rất nhanh: từ 413.093 người vào năm 2006 lên 631.121 người vào năm 2011. Tốc độ gia tăng là 52.8%.

Hai ngành học phổ thông nhất là quản trị và thương mại (18%) và kỹ sư cũng như các ngành liên quan đến kỹ thuật (15.6%). Nam giới thường có khuynh hướng học các ngành này cũng như các ngành kiến trúc và xây dựng. Còn nữ giới thì thường thích học về quản trị và thương mại, y tế, xã hội, văn hóa, và giáo dục.

Trong lãnh vực giáo dục, khoảng cách giữa hai phái nam và nữ càng ngày càng gần lại: ở bậc hậu đại học, vào năm 2006, nữ chiếm 42.9%; năm 2011: 46.4%. Riêng ở bậc Cử nhân thì từ lâu nữ giới đã qua mặt nam giới.

Giới có học tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn nhất của Úc. Ở Sydney, năm 2011, có 597.949 người đã tốt nghiệp hoặc đang theo học chương trình Cử nhân; và 197.409 người đã tốt nghiệp hoặc đang theo học một bằng gì đó thuộc hệ hậu đại học. Ở Melbourne, cũng trong thời gian ấy, có 526.796 người ở bậc Cử nhân và 151.682 người ở bậc hậu đại học.

Ở Sydney, phần lớn những người có bằng cấp cao thường sống ở các vùng nội thành hơn là ngoại ô.

Đứng đầu là St Leonards, nơi 38.8% dân chúng có bằng đại học; kế tiếp là Westmead (16.4%) và Waverton (15.3%). Ở các vùng xa trung tâm, trình độ học vấn tương đối thấp. Nhiều nơi tỉ lệ những người có bằng đại học chưa tới 1%. Tất cả chỉ xuất phát từ lý do kinh tế: những người có bằng cấp cao có nhu cầu chuyển đến các vùng cần lực lượng lao động có chuyên môn để dễ tìm việc và làm việc. Ở Sydney có sự tương quan mật thiết giữa bằng cấp và thu nhập: những nơi dân chúng có bằng cấp cao cũng là những nơi có thu nhập cao hơn trung bình.

Ở Melbourne thì khác: giới nhà giàu sống tập trung ở các vùng Đông nam còn giới trí thức thì rải rác ở nhiều nơi. Tập trung nhiều nhất là ở ngay trung tâm thành phố Melbourne, chung quanh trường Đại Học Melbourne, như East Melbourne, Carlton North, Clifton Hill và Parkville. Tuy nhiên, một số vùng như Point Cook, ở phía Tây Melbourne, có đến 16% dân chúng có bằng hậu đại học, cao hơn cả Toorak và Brighton, hai vùng giàu nhất Melbourne.

Làm việc nhiều, học hành chăm chỉ, nhưng người Úc, nói chung, cũng rất biết cách giải trí. Hai hình thức giải trí phổ biến nhất ở Úc là thể thao và ăn uống.

Theo một cuộc điều tra được thực hiện trong hai năm 2009-2010, 64% người Úc từ 15 tuổi trở lên tham gia một sinh hoạt thể thao nào đó ít nhất là một lần một năm. Gần một nửa số người ấy (tức khoảng 30% toàn bộ số người trên 15 tuổi) tham gia khá thường xuyên (hơn hai lần một tuần). Các hình thức thể thao phổ biến nhất là: đi bộ (23%), tập thể dục dụng cụ (14%), bơi (7.4%), chạy bộ (6.5%), đạp xe, chơi golf, đánh tennis, đi bộ trong rừng, chơi bóng đá (soccer).


​​

Theo cuộc điều tra ở trên, số người chơi bóng đá (soccer, theo kiểu bóng đá - hay túc cầu - ở Việt Nam) khá đông. Có lẽ vì dễ, đặc biệt, với thanh niên: bóng đá không cần quá nhiều điều kiện. Chỉ cần một quả bóng và một bãi đất trống. Trên thực tế, hầu như ai cũng biết người Úc mê bóng đá kiểu Úc (Australian rules football hay còn gọi là Australian Football League, AFL) hơn là bóng đá theo kiểu truyền thống chúng ta thường thấy ở Việt Nam hay trong các giải World Cup. Ở phạm vi chuyên nghiệp, bóng đá kiểu Úc thu hút đông người, được xem là một điển hình và là một niềm tự hào cũng Úc.

Cũng gọi là bóng đá (trong tiếng Anh, ở Mỹ và Úc, người ta phân biệt football và soccer; nhưng ngoài hai nước ấy, ở những nơi khác, người ta thường gọi cái Mỹ và Úc gọi là soccer là football), nhưng bóng đá kiểu Úc khác hẳn bóng đá thông thường (soccer). Khác ở nhiều điểm. Thứ nhất là quả bóng: trong bóng đá kiểu Úc, quả bóng hình bầu dục chứ không phải hình tròn. Thứ hai là sân: sân bóng đá kiểu Úc cũng hình bầu dục, lớn hơn sân hình chữ nhật trong bóng đá thông thường. Thứ ba, trong bóng đá kiểu Úc, cầu thủ có thể dùng tay để bắt bóng. Thứ tư, số lượng cầu thủ trong mỗi đội cũng đông hơn: 18 người. Thứ năm, mỗi trận gồm có bốn hiệp; mỗi hiệp 20 phút. Thứ năm, luật lệ cũng khác, trong đó, cái khác quan trọng nhất là: không có lỗi việt vị. Rồi cách tính điểm cũng khác, v.v.

Phải sống ở Úc, người ta mới thấy sự đam mê nồng nhiệt của người Úc đối với bóng đá kiểu Úc. Trận đấu nào cũng có cả hàng chục ngàn người xem. Giới hâm mộ cũng chia thành phe: phe ủng hộ đội này và phe ủng hộ đội khác. Ở các mùa giải, không phải chỉ có các cầu thủ thi đấu trên sân mà giới hâm mộ từng đội cũng đấu võ mồm với nhau một cách ầm ĩ hầu như ở khắp nơi: trong tiệm ăn, quán nước, chỗ ngồi chờ trong các ga xe lửa. Làm chính trị ở Úc, một trong những điều kiện đầu tiên là phải chứng tỏ mình mê… bóng đá kiểu Úc. Phải đi xem. Chưa đủ. Phải tham gia một câu lạc bộ những người hâm mộ của một đội bóng nào đó. Phải treo hình ảnh các cầu thủ của đội ấy gần bàn làm việc để giới phóng viên có thể nhìn thấy.

Về chuyện ăn, yếu tố được chú ý nhất ở Úc không phải là món ăn mà là cách ăn, trong đó, đáng kể nhất là các lò nướng ngoài trời (barbecue). Nhớ, lúc tôi mới sang Úc, bạn bè thường chở đi thăm chỗ này chỗ nọ, ngoài bãi biển, trên rừng và trên núi. Ở hầu như bất cứ chỗ nào có nhiều người thăm viếng, tôi cũng đều thấy một cái lò điện lộ thiên để nướng thịt. Nhờ vậy, ở Úc, việc tổ chức các buổi họp mặt với bạn bè rất dễ dàng. Mùa hè, thay vì gặp gỡ trong nhà, mọi người lại hẹn hò nhau ở một công viên nào đó gần sông, hồ hay biển. Mỗi người mang theo một ít thịt ướp sẵn, rau và trái cây. Đến nơi, chỉ cần đút vài đồng tiền cắc vào lò barbecue đặt sẵn ngoài trời là tha hồ nướng. Ăn trên dĩa nhựa. Uống nước cũng bằng ly nhựa. Xong, ném tất cả vào thùng rác công cộng gần đó. Là xong.

Về uống, tôi chỉ xin tập trung vào một điểm: uống bia. Ở Úc, rượu vang cũng rất ngon và càng ngày càng có tiếng trên thế giới. Nhưng thức uống tiêu biểu nhất của Úc hẳn là bia. Về mức độ tiêu thụ bia của người Úc so với thế giới, trong các tài liệu tôi đọc được, có nhiều cách xếp hạng khác nhau. Nhưng hầu như lúc nào Úc cũng là một trong “top ten”, mười nước đứng đầu. Bảng xếp hạng dưới đây là một ví dụ: Úc đứng thứ 7 (trong khi Việt Nam ở hạng 33).


​​

Trong các bức ảnh biếm họa, người ta hay vẽ hình một người đàn ông Úc bụng phệ cầm chai bia ngồi xem bóng đá kiểu Úc. Và miệng thì cười toe toét.

Có khi nhờ lối sống dễ dàng và một hệ thống y tế tốt – một trong những hệ thống y tế tốt nhất thế giới – tuổi thọ của người Úc rất cao. Và càng ngày càng cao. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của nam giới là 79.5 tuổi; còn của nữ giới là 84.0 tuổi. Thuộc loại cao nhất trên thế giới. Chỉ sau Nhật, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 960 guests

cron