Các nhà lãnh đạo Á Châu và Âu Châu nhóm họp tại thủ đô Vientiane của Lào đã cảnh báo về những sự bất định mà họ cho là “đáng kể” trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng họ cũng cam kết thúc đẩy mậu dịch tự do và từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Hội nghị Á-Âu, gọi tắt là ASEM, bày tỏ hy vọng là Âu Châu sẽ dần dà phục hồi sau cuộc suy thoái nghiêm trọng và tiến tới chỗ tăng trưởng cân bằng và lâu bền. Các nhà lãnh đạo chính của Âu Châu, trong đó có Pháp, Ý và Nga, cùng với Ủy ban Âu Châu, đã họp với các đại diện của Á Châu được dẫn đầu bởi các nền kinh tế đầu tàu là Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia.
Các nhà phân tích cho rằng hộïi nghị này được đánh dấu bởi vai trò nổi bật của Trung Quốc trong tư cách là một nguồn thương mại và đầu tư cho các nền kinh tế Âu Châu đang gặp khó khăn.
Ông Thitinan Ponsudhirak, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng Trung Quốc được xem là có vai trò then chốt trong sự hồi phục của Âu Châu.
Ông Thitinan nói: "Chúng ta cần dựa vào Trung Quốc để đẩy nền kinh tế thế giới tiến tới và qua đó giúp cho các nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro tiến theo. Đó là lý do vì sao đã có một số hành động tương nhượng, có nhiều quan tâm về Trung Quốc. Và rốt cuộc thì tiền bạc vẫn là điều quan trọng. Âu Châu đang gặp khủng hoảng. Họ cần tới nền kinh tế Trung Quốc. Họ cần các số liệu kinh tế vĩ mô và lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng."
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết ông tin tưởng vào triển vọng phát triển của Trung Quốc, nhưng ông cũng hô hào cho một nền thương mại quốc tế tự do, mở rộng, và công bằng, cùng với việc xây dựng một hệ thống tốt đẹp để quản lý kinh tế toàn cầu. Ông cũng bày tỏ thái độ rất lạc quan về quan hệ đối tác hợp tác mới giữa Á Châu và Âu Châu.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết các nước Âu Châu hy vọng được thấy Trung Quốc “tái cân bằng” kinh tế của họ.
Ông Najib cho biết: "Nếu quí vị nói chuyện với khu vực này của thế giới quí vị sẽ biết là họ xem Trung Quốc như một thế lực kinh tế rất mạnh và có ích. Nhưng khi nói về vấn đề tranh luận, tôi nghĩ rằng có một cảm giác chung trong số các nước Âu Châu là Trung Quốc cần phải tái cân bằng nền kinh tế của mình, bớt chú trọng hơn vào hoạt động xuất khẩu và gia tăng mức cầu trong nước. Tôi nghĩ rằng có một sự gợi ý tế nhị về nhu cầu tái cân bằng kinh tế."
Một cuộc chuyển quyền quan trọng đang diễn ra ở Bắc Kinh trong tuần này tại Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Chính phủ Australia mới đây đã công bố một bạch thư về chiến lược, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường các mối quan hệ với khu vực Á Châu. Tại cuộc họp ở Vientiane, Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết Trung Quốc đã chứng tỏ là họ muốn đóng một vai trò lớn hơn trên sân khấu kinh tế toàn cầu, kể cả việc thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế để thực hiện mục tiêu này.
Bà Gillard nói: "Tôi nghĩ rằng có một vai trò để Trung Quốc nắm giữ trong các nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm, và Trung Quốc đã tham gia các cuộc thảo luận về những vấn đề này tại hội nghị của khối G 20. Họ đã tham gia và tích cực hoạt động trong nhiều vấn đề, như vấn đề tìm kiếm nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Còn về vấn đề họ muốn làm gì thêm nữa thì dĩ nhiên là tôi sẽ để cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc tự trình bày."
Hơn 50 quốc gia, chiếm khoảng phân nửa sản lượng kinh tế thế giới, đã tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế và tài chánh cùng với vấn đề an ninh toàn cầu. Đây là hội nghị thứ 9 của nhóm này sau hội nghị đầu tiên tổ chức ở Thái Lan vào năm 1996.