Chính phủ Miến Điện hôm thứ Hai loan báo rằng Tổ chức Hợp tác Hồi Giáo (OIC) – một tổ chức Hồi Giáo đa quốc gia – sẽ không được phép mở văn phòng tại nước này.
Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của văn phòng tổng thống Miến Điện, giải thích về quyết định này với ban Miến Ngữ đài VOA:
“Tin về việc mở văn phòng tổ chức OIC đã lan truyền trong nhân dân Miến Điện. Theo nguyện vọng của nhân dân, Tổng Thống sẽ không cho phép mở một văn phòng của OIC tại Miến Điện. Quyết định này sẽ được loan báo trên chương trình tin tức 8 giờ tối hôm nay, và sẽ được đăng trên các nhật báo vào sáng mai.”
Mới tháng trước, OIC đã ký một thoả thuận với Bộ trưởng các Vấn đề Biên giới Miến Điện để mở một văn phòng tại thành phố chính ở Rangoon, và ở Sittwe thuộc bang Rakhine.
Bang Rakhine là địa điểm nơi căng thẳng gia tăng giữa người Hồi Giáo Rohingya và các tín đồ Phật Giáo, là thành phần chiếm đa số. Bạo động diễn ra hồi tháng Sáu đã giết khoảng 60 người và buộc nhiều người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn.
Một nữ phát ngôn nhân của OIC - cho biết tên là bà Maha, nói với Ban Miến ngữ đài VOA rằng chính phủ chưa tiếp xúc với tổ chức của bà:
“Chúng tôi chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc đó. Điều mà chúng tôi biết là một thoả thuận đã được ký giữa OIC với chính phủ để mở một văn phòng, vì thế tôi không hiểu làm thế nào mà bây giờ chính phủ lại nói họ không cho mở văn phòng ấy.”
Sự thay đổi ý kiến của chính phủ Miến Điện xảy ra giữa lúc ngày càng có đông người biểu tình tụ tập về Rangoon để nói lên nỗi bất bình của họ.
Gần 1.000 tu sĩ Phật Giáo và một số thường dân đã biểu tình phản đối hôm thứ Hai tại Chùa Shwe Dagon.
Một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình là ông U Pyin Nya Anda:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống OIC bởi vì chúng tôi không muốn chính phủ trao cho tổ chức này bất cứ mảnh đất nào của Miến Điện” .
Ông Than Tun là một trong những người biểu đồng tình với ý kiến đó, ông nói:
“Văn phòng của OIC chỉ để dành cho người Bengal chứ không phải cho người Miến Điện, đó là lý do tại sao chúng tôi biểu tình phản đối.”
Căng thẳng giữa các tín đồ Phật Giáo và Hồi Giáo trong vùng đã tăng trong nhiều tuần qua.
Hăng ngàn người Hồi Giáo Bangladesh đã gây bạo loạn hồi cuối tháng trước, họ tấn công các chùa Phật Giáo sau khi phát hiện một bức ảnh trên Internet, trong đó kinh Quran bị đốt, và họ quy lỗi cho một người đàn ông Phật giáo về hành động này.
Các Phật Tử chỉ chiếm chưa tới 1% dân số Bangladesh. Nhiều người sống gần biên giới của Miến Điện, nước có đa số dân theo Phật Giáo.