Một ít lâu sau khi loan báo ông Bạc Hy Lai bị khai trừ ra khỏi đảng và có thể bị truy tố hình sự vì những tội của ông, Thông tấn xã nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã đăng một bài bình luận nhan đề “Người nào giẫm đạp lên kỷ luật đảng và luật pháp quốc gia sẽ bị trừng phạt nặng nề.”
Bài bình luận này viết, việc lên án ông Bạc, là chứng cớ thêm nữa về quyết tâm của đảng chống tham nhũng bất kể chức vụ của những viên chức không lương thiện cao cấp như thế nào.
Những bình luận như thế nhấn mạnh đến việc lãnh đạo cần tách rời khỏi tham nhũng, được nhiều bình luận gia xem như là nạn dịch và đe dọa tạo nên chống đối trong dân chúng Trung Quốc.
Ông Trương Minh, giáo sư khoa chính trị tại trường đại học Bắc Kinh nói những trường hợp như Bạc Hy Lai là phổ biến và ai cũng biết tại Trung Quốc. Ông nói “Tất cả chúng ta đều biết vấn đề do hệ thống mà ra. Tại sao không ai ngăn chận khi ông ta trở nên tham nhũng? Tại sao không ai kiểm soát?”
Theo một cuộc điều tra mới đây, những tội ác ông Bạc đã phạm phải cách đây hơn một thập niên và có liên hệ đến những vụ lạm dụng quyền hành khi ông là một chính trị gia nổi tiếng, leo dần từng bậc lên đến mức cao trong đảng.
Dù những danh từ chính có liên hệ đến trường hợp ông Bạc vẫn còn bị ngăn chặn, trên một số dịch vụ trang blog nhỏ, thất bại của đảng không hành động đúng lúc được xem như là không muốn ngăn chận một cách mạnh mẽ những vụ lạm dụng trong nội bộ đảng, dù rằng những ngôn từ công khai thì trái lại.
Ông Triệu Sở, một nhà bình luận cấp tiến nói “Ông Bạc không phải từ trên trời rơi xuống, ông leo lên chức vụ cao trọng từng nấc một, với vợ ông, thân nhân trong gia đình, và những người giúp việc, làm nhiều điều xấu xa trong hơn 10 năm.” Ông Triệu viết những điều này trong một bài bình luận được hàng ngàn người đăng tải lại trên trang mạng Weibo, một dịch vụ các trang blog nhỏ thông dụng nhất tại Trung Quốc.
Ông Triệu nêu lên việc thiếu trách nhiệm có tính cách lịch sử trong cơ cấu đảng như là một mãnh đất màu mở cho các giới chức như ông Bạc phát triển mạnh.
Ông Triệu viết: “Những nguyên tắc căn bản về pháp trị và những chuẩn mực xã hội đương thời thiếu trong văn hóa chính trị có từ lâu nay. Đây là một thực tế không thể bỏ qua khi nói đến trường hợp ông Bạc, và cũng không mất đi trong một đêm chỉ với sự hạ bệ ông Bạc.”
Nhiều chỉ trích của ông Triệu chú trọng vào thất bại của đảng trong việc đánh giá cuộc Cách mạng Văn hóa, một khoảng thời gian 10 năm có những xáo trộn chính trị dữ dội do Mao Trạch Đông phát động trong những năm 1960 để thanh trừng những viên chức không trung thành.
Cha của ông Bạc Hy Lai, chính trị gia có uy tín Bạc Nhất Ba bị thanh trừng trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch chính trị có ảnh hưởng sâu rộng này. Ông Bạc Hy Lai lúc bấy giờ mới 17 tuổi, lớn lên để thấy người cha bị đẩy ra khỏi đời sống chính trị và sau đó được phục chức trong cương vị phó Thủ tướng của ông trước đây sau khi Mao chết.
Dù nhiều viên chức bị ngược đãi trong cuộc Cách mạng Văn hóa được phục chức trong những thập niên kế tiếp, lãnh đạo đảng cũng dè đặt trong việc chỉ trích thẳng thừng chiến dịch của Mao, và trong thời gian ông Bạc Hy Lai nắm quyền tại Trùng Khánh, lãnh đạo đảng cũng đã dung thứ cho việc ông Bạc làm sống lại những chủ đề của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Hôm thứ Bảy, ông Uông Tu Danh, một nhà xuất bản nổi tiếng và là cựu phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Trung Quốc, gọi chiến dịch gây tranh cãi của ông Bạc chống lại tội phạm và làm sống lại những tình cảm của thời đại Mao tại Trùng Khánh là một trò hề, và chỉ ra hậu quả rộng lớn của việc ông Bạc bị hạ bệ đối với hệ thống chính trị Trung Quốc.
“Uy tín và lòng tin của quần chúng vào đảng và chính phủ bị giảm sút mạnh.” Ông Uông viết và kêu gọi cải cách chính trị sâu rộng hơn để lấy lại lòng tin của dân chúng.
Những tin tức chính thức về vụ tham nhũng trong nhiều năm của ông Bạc Hy Lai được đưa ra vào lúc Bắc Kinh đang chuẩn bị chọn một số các nhà lãnh đạo để cai trị Trung Quốc trong 10 năm tới. Trong số những ứng cử viên cho những ghế đầy quyền lực trong Bộ Chính trị, nhiều người thuộc những gia đình có công trạng, con cháu của những nhà lãnh đạo lão thành của đảng vẫn còn được tôn trọng tại Trung Quốc vì những đóng góp trong quá khứ cho hệ thống chính trị của đất nước.