TT Obama loan báo thỏa thuận về mức trần nợ, thâm hụt ngân s

PostMon Aug 01, 2011 7:03 am

VOA - World News

Xuất hiện tại phòng họp báo của Tòa Bạch Ốc hồi khuya hôm qua, ông Obama trình bày một bản tóm lược rộng rãi về thỏa thuận mà ông lưu ý là vẫn còn phụ thuộc vào các lá phiếu quan trọng tại Thượng và Hạ Viện Hoa Kỳ.

Giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ cắt giảm khoảng 1.000 tỷ đôla trong vòng 10 năm, trong khi vẫn giữ nguyên các khoản mà tổng thống gọi là đầu tư để tạo công ăn việc làm vào các ngành giáo dục và khảo cứu. Ngân khoản cắt giảm mức chi trong khoảng thời gian 10 năm sẽ lên tới hơn 2 ngàn tỷ.

Nhận định rằng tiến trình đạt được thỏa thuận là rất khó khăn và không phải là kế hoạch mà ông đã muốn có, ông Obama xoay qua một khía cạnh trọng yếu của thỏa thuận – đó là việc thành lập một ủy ban lưỡng đảng sẽ đưa ra các đề nghị về những cắt giảm cụ thể bổ sung mà Quốc Hội sau đó sẽ biểu quyết.

Tổng thống Obama nói rằng trong giai đoạn này, mọi sự sẽ được đưa ra thảo luận. Để tất cả các bên phải chịu trách nhiệm về các biện pháp cải cách này, những cắt giảm gắt gao mà cả hai đảng sẽ nhận thấy là không thể chấp nhận được sẽ tự động có hiệu lực, nếu chúng ta không hành động.

Các đề nghị của ủy ban sẽ được đưa ra trước tháng 11, và các đề nghị sẽ được trình ra Quốc Hội để biểu quyết.

Theo Tổng thống Obama, “giải pháp chung quyết” cho vấn đề thâm hụt ngân sách, phải mang tính cách quân bình, và ông nói thêm rằng những người Mỹ giàu có nhất sẽ phải chấp nhận không còn được giảm hay miễn thuế nữa. Ông nói sẽ cần đến các “khoản điều chỉnh vừa phải” trong các chương trình trợ cấp của chính phủ như Medicare để bảo đảm tính ổn định – một lập trường mà ông đã giữ vững trong suốt các cuộc thương nghị về mức nợ và thâm hụt.

Ông Obama nói thỏa thuận đang chờ được thông qua giúp Hoa Kỳ tránh được tình trạng không trả được nợ và mở đường cho một “kế hoạch quân bình” trước cuối năm nay.

Tổng thống Obama nói rằng điều quan trọng nhất là thỏa thuận đó sẽ giúp Hoa Kỳ tránh được tình trạng vỡ nợ và chấm dứt vụ khủng hoảng mà Washington đã áp đặt lên cả nước. Nó cũng bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ không đối mặt với một vụ khủng hoảng tương tự trong 6 tháng, 8 tháng hay 12 tháng nữa. Và nó sẽ bắt đầu đánh tan đám mây nợ nần và bất định đang bao phủ lên nền kinh tế của Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo tại Thượng viện của đảng Dân chủ và Cộng hòa là ông Harry Reid và Mitch McConnell đã phát biểu tại trụ sở Quốc Hội, và thừa nhận rằng thỏa thuận là một thỏa hiệp gay go đối với các thành viên của họ, nhưng là một thỏa thuận sẽ tránh được tình trạng không trả được nợ quốc gia.

Thượng nghị sĩ Reid nói ông biết rằng thỏa thuận sẽ không làm hài lòng tất cả các đảng viên Cộng hòa, và cũng sẽ không làm vừa lòng các đảng viên Dân chủ. Cả hai đảng đều phải nhượng bộ nhiều hơn họ muốn và không bên nào đạt được nhiều kết quả như họ đã hy vọng, nhưng ông nói đó chính là tinh thần thỏa hiệp.

Còn thượng nghị sĩ McConnell thì trấn an dân chúng Mỹ rằng Hoa Kỳ sẽ tránh được tình trạng không hoàn thành được các nghĩa vụ của mình lần đầu tiên trong lịch sử.

Hạ viện và Thượng viện sẽ cần phải biểu quyết về đề nghị để đệ trình thỏa thuận, dưới hình thức dự thảo luật, lên Tổng thống để ký thành luật. Ông Obama kêu gọi tất cả các nhà lập pháp chấp thuận kế hoạch ấy.

Đề nghị vẫn còn vấp phải các trở ngại trong số các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ. Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã tường trình với các thành viên trong tiểu ban Cộng Hòa của ông hồi khuya hôm qua. Theo dự kiến, lãnh tụ khối Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cũng sẽ làm như thế vào ngày hôm nay.

Hôm qua, các nhà lập pháp đại diện cho phe cấp tiến trong đảng Dân chủ của Tổng thống Obama bầy tỏ sự quan ngại rằng thỏa thuận bao gồm quá nhiều khoản nhượng bộ cho phe Cộng hòa.

Trong các đảng viên Cộng hòa, có nhiều người lo ngại về những đề nghị cắt giảm thêm về quốc phòng. Các thành viên của đảng bảo thủ thuộc phong trào Tea Party nêu nghi vấn về các chi tiết của thỏa thuận.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Hoa Kỳ Và Thế Giới - USA And World News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 924 guests

cron