VOA - World News
Các bước chế tài gần đây nhất đối với Syria và Iran là nhằm đáp ứng những diễn biến mau lẹ xảy ra tại Trung đông, gồm có biến động tại Libya và tiến trình hòa bình Trung Đông.
Các Ngoại trưởng EU đã đồng ý áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản và không cấp visa đối với Tổng thống Assad và 9 người khác thuộc chính phủ của ông tại Syria.
Ngoài ra, việc phong tỏa tài sản và cấm du lịch cũng đã được EU áp dụng với khoảng 100 giới chức Iran và những công ty có dính dáng đến chương trình hạt nhân của Iran.
Ông William Hague, Ngoại trưởng Anh hoan nghênh cả 2 động thái trên:
Ông nói: “Tôi cho rằng điều rất quan trọng là EU đã đi theo lập trường này và đã áp dụng một cách thống nhất như vậy. Tôi cũng đặc biệt hoan nghênh việc gia tăng các biện pháp chế tài đối với Iran. Điều quan trọng, là không nên quên rằng trong lúc bao nhiêu chuyện đang và thay đổi xảy ra tại Trung Đông, thì Iran vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân của họ.”
Châu Âu và các cường quốc khác trên thế giới đều lo ngại là Iran đang mưu toan chế tạo bom nguyên tử, nhưng Tehran thì vẫn tuyên bố chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm vào các mục đích hòa bình.
Các biện pháp chế tài của EU đối với Tổng thống Assad đi tiếp theo sau hành động của Washington, trong lúc Syria vẫn tiếp tục đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Trong một bài diễn văn quan trọng về Trung Đông, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi ông Assad, hoặc là cho phép một sự chuyển đổi chính phủ qua đường hướng dân chủ, hoặc là tránh sang một bên.
Các Ngoại trưởng EU cũng thảo luận về biện pháp đắp ứng cứng rắn hơn với Libya, một quốc gia Ả Rập khác. Ngoại trưởng Anh Hague nói cần phải gia tăng áp lực quân sự, kinh tế và ngoại giao đối với ông Gadhafi, lãnh đạo Libya.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng việc gia tăng sức ép đang đạt được tiến bộ, nó có hiệu quả đều đặn, mặc dù chúng ta không rõ là phải mất bao lâu.”
Vào ngày chủ Nhật, EU đã mở một văn phòng ngoại giao tại Benghazi, thành trì của phe đối lập tại Libya. Sự kiện này đã gia tăng uy tín của phe chống đối, nhưng trên bình diện ngoại giao chính thức, họ vẫn chưa được công nhận.
Các Bộ trưởng EU cũng hoan nghênh việc Tổng thống Obama kêu gọi một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine, đặt cơ sở trên các vùng biên giới có sẵn từ năm 1967 trở về trước.
Bà Catherine Ashton, người đứng đầu về đường lối đối ngoại EU đã tuyên bố như sau với các ký giả về vấn đề này:
“Chúng tôi tin rằng đây là một cơ sở thích hợp để khởi sự các cuộc thương thuyết. Quan trọng hơn cả, chúng tôi cho rằng xúc tiến các cuộc thương thuyết trên nằm trong lợi ích của nhân dân Israel cũng như nhân dân Palestine.”
Trung Đông cũng được dự kiến sẽ là đề tài được chú ý trong nghị trình, khi các lãnh đạo các quốc gia thuộc khối G-8 họp tại thành phố Deauville của Pháp vào cuối tuần này.