VOA - World News
Các giới chức ASEAN và Trung Quốc cho biết họ đạt được thỏa thuận về một tập hợp các biện pháp hướng dẫn không có tính chất ràng buộc cho việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà đôi bên đã ký kết năm 2002.
Tiến bộ đạt được ngày hôm nay có thể đưa tới chỗ có được một bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý để xử lý những vụ tranh chấp trong khu vực. Một giới chức Trung Quốc tại hội nghị ASEAN ở Bali nói rằng thỏa thuận này là dấu mốc quan trọng của sự hợp tác.
Tuy nhiên một số quốc gia thành viên ASEAN cho biết những biện pháp hướng dẫn này có tính chất mơ hồ và không đầy đủ. Họ than phiền rằng không có khung sườn nào để trực tiếp giải quyết tranh chấp ở khu vực mà nhiều người tin là có nhiều dầu lửa và khí đốt.
4 nước thành viên ASEAN – Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực gần bở biển của mình, nhưng Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông. Hồi gần đây, Manila và Hà Nội đã lên tiếng phản đối việc tàu bè Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của họ.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc bao quát đến nỗi nếu được phép xác định như vậy thì việc xây dựng một bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc trở thành một việc vô ích.
Ông Rosario nói: "Họ tuyên bố trên cơ bản là họ có chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Vì vậy nếu chúng ta ký kết một hiệp định với Trung Quốc, một hiệp định được cho là một bộ qui tắc ứng xử; nhưng Trung Quốc lại nói rằng họ làm chủ tất cả mọi thứ."
Ông Rosario cho biết ông muốn ASEAN có lập trường cứng rắn hơn, bằng cách công bố những nguyên tắc hướng dẫn để đề ra những tiêu chuẩn rõ ràng nhằm giải quyết các vụ tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Thay vào đó, ông nói, Philippines có phần chắc sẽ phải hành động một mình và đưa vụ này ra trước tòa án của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, gọi tắt là UNCLOS, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc không muốn tham gia.
Ông Rosario nói tiếp: "Chúng tôi sẽ ra trước UNCLOS nếu Trung Quốc muốn đi cùng với chúng tôi. Và nếu họ không muốn, như họ đã chứng tỏ như vậy, thì chúng tôi sẽ mưu tìm một phiên tòa trọng tài, dựa theo UNCLOS để có được một sự phân xử vĩnh viễn hoặc là một sự phân xử lâm thời. Và cuối cùng chúng ta cũng có một thủ tục hòa giải có tính chất cưỡng hành để qua đó chúng ta có được một ý kiến tuy không có tính chất ràng buộc pháp lý nhưng ý kiến đó có giá trị về mặt đạo đức."
Ngoại trưởng Rosario cũng nói rằng khu vực có tranh chấp nằm trong khuôn khổ của hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines với Hoa Kỳ. Các vị ngoại trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tham dự diễn đàn an ninh khu vực ASEAN tại Bali trong tuần này.