Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm

PostTue May 15, 2012 1:04 pm

VOA - Health

<!--IMAGE-LEFT-->Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Bà Tân ở Na Uy có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:
Duration of treatment of depression

Uống thuốc trị chứng trầm cảm cần kéo dài bao lâu?

Bịnh nhân 45 t, mắc chứng trầm cảm 5-6 năm nay, bịnh nhân lúc đầu được uống thuốc ngủ nhưng không bớt, nay uống thuốc chống trầm cảm loại 4 vòng (tetracyclic antidepressants: mianserin, mirtazapine) thì đang kết quả tốt, được chữa trị đều đặn. Đương nhiên, tôi không thể có ý kiến và can thiệp về trường hợp cá biệt của bịnh nhân. Tôi chỉ xin nêu đây một số thông tin liên hệ đến chứng trầm cảm để chúng ta cùng học hỏi.

Chứng trầm cảm có hai dạng chính:

1) Cơn rối loạn trầm cảm lớn (major depressive disorder): bịnh nhân không thấy thích thú, thú vị trong bất cứ chuyện gì, không thích làm việc, hoạt động, mang mặc cảm tội lỗi, không tập trung được, lo lắng mất ngủ, ăn không thấy ngon.

2) Dysthymia: buồn bã không thấy lạc thú, hững hờ với công việc, kéo dài trên 2 năm; triệu chứng nhẹ hơn, nhưng mãn tính (kinh niên) hơn loại trầm cảm trên.

Thuốc trị trầm cảm chủ yếu tác dụng tăng mức các chất dẫn truyền thần kinh [neurotransmitters] trong não bộ. Norepinephrine và serotonin là 2 chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) được tiết ra trong khớp thần kinh (synapse), tạo liên lạc, đưa tín hiệu từ tế bào thần kinh này qua tế bào thần kinh kế tiếp.

Thuốc trị trầm cảm thế hệ thứ nhất làm tăng chất norepinephrine trong các khớp thần kinh (synapses). Ví dụ: loại tricyclic antidepressant [thuốc chống trầm cảm 3 vòng], như amitriptylin [“Elavil”].

Những thuốc bịnh nhân đang dùng là loại có 4 vòng trong công thức hoá học, được đưa vào thị trường trong thập niên 1970's, và na ná giống loại thuốc 3 vòng (tetracyclic anti-depressants, đừng lẫn lộn với trụ sinh tetracyclin)

Hiện nay, các thuốc trị trầm cảm mới (thế hệ thứ hai, second generation antidepressants), tuy không hiệu nghiệm hơn, được ưa chuộng hơn và rất thịnh hành. Thuốc ít phản ứng phụ hơn các thuốc trị trầm cảm thế hệ trước, nhất là ít tác động lên tim mạch và bịnh nhân khó chết vì thuốc hơn nhiều nếu chẳng may hoặc cố tình uống quá liều. Tuy nhiên, cũng nên nhắc ở đây là FDA cảnh báo các bác sĩ cần chú ý đến hiện tượng gia tăng tự sát ở các trẻ em, thanh thiếu niên dùng thuốc chống trầm cảm, nhất là cần theo dõi chặt chẽ bịnh nhân trong tháng đầu tiên.

Những thuốc này được gọi là SSRI (Selective Serotonin Reuptake Inhibitors, “thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin”. Serotonin là một chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) được tiết ra trong khớp thần kinh (synapse). Thuốc loại SSRI ngăn chặn không cho serotonin bị thu hồi trở ngược lại vào tế bào thần kinh phía trước (presynaptic cell), do đó tăng serotonin ở khe khớp thần kinh (synaptic cleft). Những thuốc thường gặp là fluoxetin (Prozac, Sarafem), sertralin (Zoloft), paroxetin (Paxil), fluvoxamin (Luvox).

Theo khuyến cáo hiện nay của Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO), lúc chữa cơn trầm cảm bằng thuốc, nếu thuốc hiệu nghiệm người ta cho bịnh nhân uống thêm chừng 9-12 tháng (In adult individuals with depressive episode/disorders who have benefited from initial antidepressant treatment, the antidepressant treatment should not be stopped before 9-12 months after recovery).

Sau đó nếu muốn dừng thuốc, người ta giảm liều thuốc từ từ (progressive tapering) trong nhiều tháng, và canh chừng xem bịnh có tái phát (relapse).

Những trường hợp sau đây, người ta khuyến cáo nên uống thuốc trong khoảng thời gian ‘vô hạn định” (indefinitely):

• bịnh nhân phát bịnh lên cơn đầu trước tuổi 20, hoặc sau tuổi 50,
• hoặc người trên 40 tuổi mà đã bị lên cơn 2 lần (2 depressive episodes) với một lần xảy ra sau 50 tuổi,
• hoặc bất cứ tuổi nào mà đã có trên 3 cơn (episodes).

(Ref: 1) 2011 Current Medical Diagnosis and Treatment, Stephen McPhee, McGrawHill) 2) Guidelines by the American College of Physicians)

Đương nhiên, thông tin này là để trả lời một cách tổng quát câu hỏi của thính giả. Mọi quyết định của bác sĩ còn tùy theo bịnh nhân, tùy theo thuốc được dùng. Ngay những khuyến cáo này cũng thay đổi theo kiến thức mới và thuốc mới có thể sẽ xuất hiện.

Chúc bịnh nhân may mắn.
-----
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 825 guests

cron