Hố cách biệt giàu nghèo ở Trung Quốc hiện rõ ở Bắc Kinh

PostFri Mar 16, 2012 7:17 am

VOA - Economy

Tại phiên họp thường niên của quốc hội Trung Quốc lần này, khoảng 3.000 đại biểu đã thảo luận về các vấn đề kinh tế, tình hình rối loạn vì lý do sắc tộc ở Tây Tạng và Tân Cương và việc cải cách hệ thống tư pháp.

Nhưng đối với nhiều người, hố chênh lệch ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo là vấn đề cấp bách nhất, đặc biệt là tại những khu nhà ổ chuột ở Bắc Kinh, nơi mà những người giàu nhất với những người nghèo nhất sinh sống bên nhau.

Đàng sau khu thương xá chuyên bán những mặt hàng đắt tiền ở thành phố này, mấy mươi túp lều lụp xụp nằm trong những hẻm nhỏ đan xen với nhau và chỉ cách cửa hàng bán xe hơi hiệu Bentley chỉ có một đoạn đường rất ngắn.

Trong một căn phòng nhỏ bé của những căn nhà ổ chuột này, bà Lý Ngọc Lan, 78 tuổi, mở một quán nhỏ, bày bán bánh kẹo và nước ngọt. Bà nói như sau với phóng viên đài VOA về tình cảnh của mình.

"Ngày nay, người giàu thì thật là giàu, còn người nghèo thì thật là nghèo. Có người nghèo đến độ không có tiền để đong gạo. Như nhà tôi đây: tổng cộng 8 người, mà chỉ có hai người già kiếm tiền. Những người trẻ thì thất nghiệp, không có việc gì để làm. 8 người mà chỉ có hai người già kiếm tiền thì làm sao đủ sống! Cho nên tôi phải mua bán lặt vặt như vầy để kiếm thêm một ít tiền lẻ."

Đối với những người như bà Lý Ngọc Lan, mối lo ngại lớn nhất là vật giá leo thang. Trong những năm gần đây, số tiền mà bà kiếm được đã nhiều hơn trước nhưng lại không đủ để theo kịp tốc độ gia tăng của vật giá.

Bà Lý nói rằng bà và những người sinh sống trong các xóm ổ chuột đằng sau những tòa nhà chọc trời ai nấy cũng đều mong mỏi là các đại biểu quốc hội có thể hiểu được nỗi khổ của mình:

"Tôi nghĩ rằng Hội nghị Đại biểu Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc nhóm họp là một việc tốt. Đây là cơ hội để các vấn đề được phản ánh và để họ làm những việc thực tế cho người dân chúng tôi. Nhưng có rất nhiều việc mà nói rồi thì cũng như không nói. Bây giờ giá cả của thứ gì cũng quá đắt đỏ. Về mặt này, quả thật là chúng tôi cảm thấy bất mãn."

Từ nhiều năm qua lạm phát là phó sản của sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng các số liệu mới đây cho thấy giới hữu trách đã đạt được một ít thành quả trong việc kiềm chế đà gia tăng của chi phí sinh hoạt. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng hai giảm xuống còn 3,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2010.

Trong bài diễn văn khai mạc khóa họp quốc hội hồi tuần trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo loan báo kế hoạch giảm bớt tốc độ tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, với hy vọng giữ tỉ lệ lạm phát trong năm nay thấp hơn 4%.

Ông Ôn Gia Bảo cũng cho biết chính phủ sẽ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chận đà gia tăng của giá nhà ở.

Cách căn nhà ổ chuột của bà Lý Ngọc Lan không bao xa là một khu thương xá lộng lẫy, nơi những người Trung Quốc giàu có chen nhau ngắm nghía, mua sắm những món hàng thời trang mới nhất của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Gucci và Ferragamo.

Tại đây, giá cả leo thang dường như không làm cho những người mua sắm bận tâm. Đối với những người giàu có ở Bắc Kinh, chính phủ nên quan tâm nhiều hơn tới giai cấp trung lưu thay vì thực hiện những biện pháp để thu hẹp hố chênh lệch giàu nghèo.

Cô Hạ Hà, một thiếu nữ 26 tuổi đi mua sắm ở thương xá Tân Khang, dường như không mấy chú ý tới những hội nghị đang diễn ra ở Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Cô nói như sau với phóng viên của đài VOA:

"Tôi không phải là người trong giới hoạt động chính trị, cho nên tôi không biết gì nhiều về những hội nghị đó."

Những người mua sắm khác cho biết sự chênh lệch về thu nhập không quan trọng bằng việc bảo đảm là tất cả mọi người Trung Quốc đều hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ông Vương, 33 tuổi, là một người làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Ông nói rằng Trung Quốc là một nước rất đông dân nên không thể nào có được một xã hội không giai cấp:

"Dân số của Trung Quốc quả là rất đông, có tới 1 tỉ 300 triệu người. Sự cách biệt, chênh lệch là một vấn đề không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quan tâm tới vấn đề là sự cách biệt này bao lớn mà nên quan tâm nhiều hơn tới việc nâng cao mức sống của những người có mức thu nhập thấp và trung bình. Chênh lệch giàu nghèo thì nước nào, nơi nào cũng có, không thể nào xóa bỏ được. Chúng ta chỉ nên bàn luận về vấn đề là tiêu chuẩn sinh hoạt thấp nhất là như thế nào và những người thuộc giới thu nhập thấp phải làm gì để nâng cao tiêu chuẩn sinh hoạt của mình. Đó là điều mà nhà chức trách nên chú tâm nhiều hơn."

Trở lại với khu nhà ổ chuột, bà Lý Ngọc Lan có vẻ cam phận với tình trạng nghèo khó của mình. Bà nói rằng hố chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc có tính chất cha truyền con nối và trong tương lai có lẽ tình hình vẫn tiếp tục y như vậy:

"Những người giàu thì đời nào họ cũng giàu. Còn những người nghèo như chúng tôi thì đời nào cũng nghèo. Làm quan lớn, đời nào cũng làm quan lớn. Những người dân thường như chúng tôi, không có tiền là không có tiền suốt đời. Hết đời này sang đời khác vẫn y như thế. Người có tiền lúc nào họ cũng có tiền. Họ làm quan, con cái họ cũng theo gót họ làm quan. Còn con cái của những người như chúng tôi thì chỉ biết mua bán lặt vặt mà thôi."

Nhà của bà Lý và những căn nhà trong xóm ổ chuột đã được qui hoạch là phải di dời, giữa lúc những công ty phát triển địa ốc tranh nhau kiếm tiền trong cơn sốt nhà đất đã tìm cách ép buộc những người như bà phải dời đi nơi khác.

Ngồi trong căn nhà lụp xụp, bà Lý nói rằng bà và những người bà con lối xóm không ai chịu dời đi vì một lý do rất đơn giản: đó là họ không đủ tiền để có thể mua được một căn nhà mới.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 826 guests