Người Ấn Độ 'nếm mùi' xa xỉ

PostThu Dec 01, 2011 1:45 pm

VOA - Economy

Vào lúc nền kinh tế bộc phát đưa thêm nhiều người ở Ấn Độ vào hàng ngũ của giới giàu có, họ được nếm mùi của một cuộc sống tốt đẹp. Theo tường trình của Thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Delhi, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ của Ấn Độ vẫn còn nhỏ, nhưng đang tăng trưởng gần 20% mỗi năm.

Hai anh em, Rituraj và Rajat Chowdury, đang ở Thương xá DLF Emporio để chọn một món quà cho mẹ nhân lễ kỷ niệm đám cưới bạc của cha mẹ họ. Nếu như cách đây một vài năm, có thể họ đã chọn một món đồ trang sức, nhưng lần này họ đã quyết định mua một chiếc túi xách hàng hiệu.

Anh Chowdury nói: "Tôi mua một cái ví, một chiếc túi của hãng Burberry. chúng tôi muốn mua tặng bà một món đồ gì đó đặc biệt."

Tuy số lượng khách hàng đến trung tâm mua sắm này, nơi một vài nhãn hiệu thời trang nổi tiếng đã mở cửa hàng trong những năm gần đây, chưa nhiều nhưng con số này đang gia tăng nhanh chóng. Một số đang mua sắm các bộ vét của hãng Armani, một số khác mua giày của hãng Jimmy Choo hay ví xách tay của hãng Louis Vuitton.

Ông Sanjay Kapoor là giám đốc công ty Genesis, công ty chuyên quảng bá cho các nhãn hiệu sang trọng. Ông nói rằng tính căn cơ trước đây là phương châm của thế hệ trước, nhưng giờ đây điều này đang thay đổi.

Ông Kapoor nói: “Rất nhiều người đã trở nên giàu có. Và với sự giàu có đó, người ta sẽ chi tiêu. Quí vị đã xây dựng nền móng. Quí vị đã mua nhà. Quí vị đã mua ngôi nhà thứ nhì. Quí vị đã mua một chiếc xe hơi. Quí vị đã xây dựng một sự đảm bảo an toàn. Sau tất cả những thứ đó thì giờ đây người ta bắt đầu chi tiêu. Họ sống cho ngày hôm nay. Trước kia người ta tiết kiệm để trả tiền học, để mua nhà cửa.”

Ngoài số doanh nhân thành đạt và các chủ doanh nghiệp giàu có đang ngày càng gia tăng, khách hàng mua các loại hàng hóa xa xỉ gồm cả người trẻ đang tìm cách bắt kịp với trào lưu toàn cầu.

Không phải tất cả đều giàu có. Nhưng thậm chí cả những người chỉ kiếm được 10.000 đến 20.000 đôla một năm cũng thường muốn có một chiếc đồng hồ hàng hiệu, một chiếc túi xách hay đôi giày hàng hiệu.

Năm ngoái, doanh số bán hàng hóa xa xỉ đã tăng 20% và lên tới 5,75 tỷ đôla. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong 4 năm tới lên hơn 15 tỷ đôla.

Tuy nhiên, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ ở Ấn Độ vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường toàn cầu và đã bị một nền kinh tế khổng lồ khác ở châu Á, Trung Quốc, bỏ xa.

Các phân tích gia về lĩnh vực bán lẻ cho biết thuế nhập khẩu tăng mạnh tới 30% đã giảm đà tăng trưởng của lĩnh vực hàng hóa xa xỉ vì mức thuế này đã khiến hàng hiệu trở nên đắt đỏ hơn so với ở một số nước khác.

Ông Neelesh Hundekari, người đứng đầu công ty tư vấn về lĩnh vực bán lẻ hàng hóa xa xỉ, công ty A.T. Kearney, nói rằng người Ấn Độ có thể mua một chiếc xe Porsche ở Ấn Độ vì rất khó nhập khẩu, nhưng họ thích mua một chiếc túi Louis Vuitton ở Dubai hơn.

Ông Hundekari nói: “Họ thích tìm một món hời cho dù giá cuối cùng của sản phẩm đó vẫn khá cao. Họ tính toán đến từng 100 đôla cho dù họ mua một món đồ đáng giá vài ngàn đôla… Nếu họ có thể mua món đồ đó ở nước ngoài mà không phải trả giá đắt như trong nước, thì họ sẽ mua ở đó. Một sự tương phản thú vị với điều đó là xe hơi. Vâng, nếu có một món đồ gì đó mà họ không thể mua được trong nước và người ta muốn có nó thì họ sẽ trả tiền để có được món đồ đó.”

Ấn Độ cũng thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp để bán các loại hàng hóa xa xỉ. Các thành phố đông đúc có ít trung tâm mua sắm cao cấp bên ngoài các khách sạn 5 sao. Chỉ có hai thương xá – một ở Delhi và một ở Bangalore – mới bán các loại hàng hiệu xa xỉ.

Kết quả là phần lớn các nhãn hàng hiệu xa xỉ chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn như Delhi, Mumbai và Bangalore, mặc dù có rất nhiều khách hàng ở các thành phố nhỏ hơn.

Giám đốc chi nhánh hãng Louis Vuitton ở Ấn Độ, Tikka Shatrujit Singh, nói rằng họ có cửa hàng ở ba thành phố ở Ấn Độ so với 16 thành phố ở Trung Quốc. Đó là một trở ngại, nhưng ông vẫn lạc quan về một đất nước đông dân và dân số trẻ đang bắt đầu tận hưởng sự xa xỉ.

Ông Singh nói: “Các thành phố cần phải phát triển. Cần phải có thêm các khu mua sắm. Chúng tôi cần phải thấy thêm 100 thương xá cao cấp mở cửa ở Ấn Độ, hoặc ít nhất 20 hay 30 thương xá nữa…Thời khắc thay đổi sẽ tới khi tầng lớp trung lưu bắt đầu mua sắm.

Các nhãn hiệu xa xỉ như Louis Vuitton đang đặt hy vọng vào những người như Neha Agarwal, một chuyên viên ở độ tuổi 30. Cô đang tìm mua một chiếc túi hàng hiệu bởi cô muốn theo đúng mốt.

Cô Agarwal nói: "Vì đó là trào lưu sắp tới ở Ấn Độ, và những người có đủ điều kiện đang chạy theo trào lưu đó."

Tới giờ, mới chỉ có những nhãn hiệu xa xỉ lớn có mặt tại Ấn Độ, nhưng nhiều hãng khác dự kiến cũng sẽ bước vào thị trường này khi con số người Ấn Độ mê hàng hiệu tiếp tục gia tăng.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: Google [Bot] and 822 guests

cron