Triệu chứng mệt mỏi, khó thở và chóng mặt

PostWed Nov 30, 2011 11:39 am

VOA - Health












<!--IMAGE-LEFT-->Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Cô Trần Thị Trúc Ly ở thành phố Hồ Chí Minh có nêu thắc mắc như sau:

"Cách đây 3 tháng, tôi thường xuyên bị mệt, tim đập nhanh, khó thở và chóng mặt. Có lúc mệt không thể đứng nổi. Tôi đã vào bệnh viện khám, bác sĩ yêu cầu tôi siêu âm tim, siêu âm tuyến giáp, đo điện tim, xét nghiệm máu và kết quả là bình thường.

Bác sĩ kê đơn cho tôi gồm: Propanolol 40 mg; fandorax 25 mg; euroboncal’ calcium sandoz 500 mg và panagin

Sau khi dùng thuốc tình trạng sức khỏe của rôi cũng được cải thiện, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị mệt, khó thở, tim đập nhanh và nhất là khi lên xuống cầu thang.

Tôi muốn hỏi là tôi đã mắc bệnh gì. Nếu uống thuốc có khỏi bệnh luôn không."

Sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hồ văn Hiền:
Căn cứ trên ba điểm chính:

• Cơn mệt, khó thở tim đập nhanh, chóng mặt
• Cơ điện đồ (electromyogram, EMG) bất bình thường
• Tất cả thử nghiệm khác đều bình thường

Bác sĩ có thể đưa ra một danh sách các bịnh trong lúc bàn về định bịnh phân biệt.

Tôi xin trình bày một số bịnh có thể ăn khớp với triệu chứng chúng ta nêu ra, hoàn toàn với mục đích thông tin.

1) Chứng liệt từng hồi do kali máu thấp (hypokalemic periodic paralysis): người bịnh thường ở tuổi thanh thiếu niên (adolescence), cơn yếu các bắp cơ vùng vai và háng, có thể các bắp cơ tay, chân, cơ phụ trách nuốt và thở nếu nặng hơn, thường xảy ra lúc mới ngủ dậy, lúc nghỉ ngơi hơn là lúc vận động nhiều. Lúc bình thường thì khám, thử nghiệm không thấy gì lạ. Lúc cơn liệt xảy ra thì định bịnh bằng cách đo mức kali (potassium) trong máu. Nguyên do liệt vì có lúc kalium được hấp thụ vào tế bào nhiều quá, mức kalium trong máu giảm thấp (hypokalemia), nên cơ bắp làm việc không bình thường, yếu đi. Trong cơn mệt, đo cơ điện đồ (EMG)không bình thường. Tâm điện đồ có thể không bình thường (abnormal EKG) trong cơn liệt, yếu. Chữa trị bằng cách uống thêm kali lúc cơn mệt, liệt. Để ngừa các cơn liệt xảy ra, bs có thể cho uống thuốc lợi tiểu acetazolamide, nếu không bớt bs có thể dùng triamterene hay sprironolactone.

Bịnh này hiếm (1/100000) người, đa số do di truyền.

2) Bịnh myasthenia gravis, là một chứng bịnh lắm khi rất khó định bịnh. Người bịnh, thường là phụ nữ, cảm thấy yếu đuối từng cơn, nhất là sau một ngày làm việc. Ngoài ra, triệu chứng đầu tiên thường là ở mắt, mí mắt sụp xuống nhất là lúc bịnh nhân cố gắng nhìn lên, thấy một thành hai (diplopia, vì một số cơ điều khiển tròng mắt bị yếu). Sau đó dần dần, các cơ khác (nuốt, nói, thở, tay chân) có thể bị liên hệ. Lúc bịnh nhẹ, có thể rất khó định bịnh, vì khám và thử nghiệm thông thường không tìm ra điểm gì bất thường. Điện các cơ (EMG) có thể bất bình thường cần bác sĩ chuyên về thần kinh (neurologist) để định bịnh và điều trị.

Trong bịnh Myasthenia gravis, cơ thể sinh ra những kháng thể hủy hoại vác mối nối liền dây thần kinh với bắp thịt (cơ) mà chúng điều khiển (neuromuscular junctions) làm dòng điện từ dây thần kinh không kích thích được các sợi cơ để chúng co lại.

Ngoài ra, nếu bịnh nhân có những cơn mệt đột ngột, xảy đến rồi đi mất không báo trước, nhưng trong lúc bs khám và đo tim (EKG) vẫn bình thường, bs chuyên khoa tim có thể cho bịnh nhân mang máy làm Holter monitoring trong một ngày đêm để xem EKG bịnh nhân thế nào lúc các cơn mệt xảy ra. Có khi, bịnh nhân cần mang Holter monitor cả tháng, lúc có triệu chứng thì máy bắt đầu ghi. Máy Holter có thể ghi được những cơn tim đập loạn nhịp (arrhythmia) mà nếu đo tâm điện đồ thường không phát hiện được. Tuy nhiên, trong bịnh này, điện cơ sẽ bình thường, khác với trường hợp bàn ở đây.

Tóm lại, điểm đáng để ý cần xác nhận là điện cơ không bình thường. Nếu bịnh nhân thấy không phải chỉ là một trường hợp tâm lý lo âu (anxiety) thông thường, nếu triệu chứng nặng thêm, cần nhờ bs khám ngay trong cơn yếu, mệt cấp tính, đang có triệu chứng. Bác sĩ có thể giới thiệu bịnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh (neurologist) hoặc cả bs chuyên khoa tim để khảo sát về những bịnh hiếm và khó định bịnh hơn.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 572 guests