Cần một stress test cho hệ thống ngân hàng ở Việt Nam

PostMon Nov 21, 2011 12:25 pm

VOA - Economy

Như trong bài viết trước, một trong ba trọng điểm của mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là cải cách hệ thống ngân hàng. Báo cáo của Chính phủ hồi cuối tháng 10 đưa ra 03 mục tiêu tái cơ cấu là đầu tư công (tập trung thực hiện Nghị định 11), doanh nghiệp nhà nước (DNNN - tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).
Trong 03 mục tiêu này, có vẻ như cải cách hệ thống ngân hàng là mục tiêu khả thi nhất, và cấp bách nhất, ít nhất là trong ngắn hạn. Khủng hoảng kinh tế kéo dài từ 2007 tới nay đã liên tục đẩy hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng cổ phần tư nhân, ở Việt Nam vào hết các thử thách này tới thử thách khác.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng non trẻ của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nợ “dưới chuẩn” (subprime loans) rất cao do hậu quả của tình trạng đình trệ về kinh tế và khủng hoảng trên thị trường bất động sản.
Việc các doanh nghiệp không trả được nợ buộc các ngân hàng này phải liên tục cho đảo nợ và vốn hóa cả lãi suất thành nợ gốc đã khiến tăng trưởng tín dụng trong hệ thống lên tới 17% mặc dù rất ít khoản vay mới được giải ngân. Nó cũng khiến các ngân hàng “khô máu” và mất thanh khoản. Điều đó dẫn tới cuộc chạy đua lãi suất huy động mà kết quả là lãi suất huy động đã lên tới trên 20% hồi giữa năm nay. Kể từ khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra quy định về nghiêm ngặt áp dụng trần lãi suất huy động 14%, cuộc chạy đua lãi suất đã chuyển từ đua lãi suất huy động sang đua lãi suất liên ngân hàng – tức là mức lãi suất mà các ngân hàng trong hệ thống vay mượn lẫn nhau – trong khi lãi suất cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay không hề có dấu hiệu giảm.
Ngay cả với cuộc đua vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng cũng không làm cho tình hình bớt căng thẳng hơn. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đứng ra nhận trách nhiệm người cho vay cuối cùng (lender of last resort) cho các ngân hàng yếu. Điều này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nhìn nhận cách đây không lâu khi ông phát biểu: “có những ngân hàng trong những giai đoạn nhất định gặp khó khăn cũng là điều khó tránh khỏi. Song, Ngân hàng Nhà nước vẫn có các giải pháp thông thường để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó đó.”
Việc NHNN bơm tiền cứu cứu các ngân hàng thương mại đang bị mất thanh khoản thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam không muốn để xảy ra đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng. Cách đây không lâu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp báo thường kỳ chiều 4/11 vừa qua là “về nguyên tắc, Chính phủ khẳng định sẽ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, tăng hiệu quả hoạt động, quản lý và sử dụng vốn. Quá trình này sẽ được thực hiện có lộ trình và Chính phủ cam kết sẽ không để xảy ra đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng, không để ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.
Tín hiệu này thậm chí còn được ông Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh hơn trong phần  trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 15/11. Theo ông Ngoạn, Chính phủ sẽ “không để một ngân hàng nào phá sản ở thời điểm hiện nay cả. Bởi với thực trạng hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng xử lý và kiểm soát được mà không cần tính tới chuyện cho phá sản hay đổ vỡ.
Việc Ngân hàng Nhà nước bơm tiền cứu các ngân hàng thương mại đang bị mất thanh khoản có tác dụng cấp cứu để các ngân hàng này kéo dài thời gian tồn tại mà không bị đổ vỡ, nhưng tự nó không làm hệ thống ngân hàng thương mại tốt lên.
Để bắt tay vào cải cách hệ thống ngân hàng, có lẽ việc đầu tiên cần làm là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần lập ra một tiểu ban đặc biệt có chức năng thực hiện các stress tests cho tất cả các ngân hàng thương mại của Việt Nam. Động thái này sẽ giống như động thái mà Chính phủ Mỹ thực hiện hồi đầu năm 2009 dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Timothy Geithner.

Các stress tests này, nếu được làm nghiêm túc, sẽ vẽ ra một bức tranh chính xác và tường minh về sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới có thể xác định được đối sách đối với từng ngân hàng nói riêng và phương pháp cải tổ toàn bộ hệ thống nói chung.
Sau khi khoanh vùng được các ngân hàng yếu, bước đi kế tiếp phải là quyết liệt xử lý để cắt bỏ các khối u này cỏi hệ thống. Điều này phải được thực hiện thông qua việc Ngân hàng Nhà nước mạnh tay buộc các ngân hàng này bán lại cho các ngân hàng mạnh hơn (trong trường hợp còn có người mua), cho giải thể, hoặc phá sản.
Thông thường, ở các nền kinh tế phát triển, việc quốc hữu hóa trong một thời gian ngắn để vực dậy tính thanh khoản cũng như sự lành mạnh về tài chính của các ngân hàng tư nhân đang trên bờ vực phá sản cũng là một lựa chọn.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, điều này có thể khó thực hiện vì năng lực của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Một điểm khác là hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại của Nhà nước cũng đã phình rất to và vì thế cũng không nên tiếp tục phình to thêm nữa.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: Google [Bot] and 823 guests

cron