Việt Nam báo hiệu thay đổi cách phòng chống dịch để duy trì

PostMon May 24, 2021 8:47 am

VOA - Health


Giữa lúc số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam tiếp tục tăng dần đến con số 5.400, một phó thủ tướng vừa báo hiệu sẽ có thay đổi trong cách đất nước phòng chống đại dịch để duy trì các hoạt động sản xuất và kinh tế.


Theo thông tin chính thức của Bộ Y tế Việt Nam, đến giữa ngày 24/5, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam được thống kê là 5.378, trong đó 2.609 người đang được điều trị và 44 ca tử vong.


Trường hợp người thiệt mạng mới nhất vì dịch được ghi nhận lúc 4h30 chiều ngày 24/5 là một phụ nữ 38 tuổi, không có bệnh nền, là công nhân khu công nghiệp ở Bắc Giang, trang web của Bộ Y tế Việt Nam cho hay.


Trong cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, những nơi đang là điểm nóng về dịch.


Cổng Thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương, cho biết trong cuộc họp rằng gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong khu công nghiệp, vì vậy, tỉnh đang tập trung phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, khu vực nhà trọ công nhân.


Vị lãnh đạo của Bắc Giang cho biết thêm hiện 4 khu công nghiệp đang tạm thời đóng cửa vì dịch, ảnh hưởng đến khoảng 61.000 công nhân và tỉnh đang tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho họ.


Đáng chú ý, Chủ tịch Dương nêu quan ngại về công suất xét nghiệm ở tỉnh, lưu ý rằng hiện vẫn còn tình trạng là mỗi ngày có tới 20.000-30.000 mẫu xét nghiệm chưa được trả kết quả ngay trong cùng ngày.


Về vấn đề này, Cổng Thông tin của chính phủ cho biết Bộ Y tế chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang lắp đặt thêm máy xét nghiệm để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang.


Ở tỉnh Bắc Ninh lân cận, Giám đốc Sở Y tế của tỉnh, bà Tô Thị Mai Hoa, thông báo rằng tính đến 6h sáng 24/5, Bắc Ninh phát hiện 499 ca dương tính và cách ly y tế 31.000 người.


Bà Mai cho biết thêm rằng ổ dịch trong công ty Canon đã kiểm soát được và dự kiến ngày 25/5 sẽ hoạt động trở lại.


2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cũng đang lên phương án mở cửa trở lại các nhà máy, khu công nghiệp, có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để bảo đảm an toàn dịch bệnh, bản tin trên Cổng Thông tin của chính phủ nói.


Nhưng để làm được như vậy, hai tỉnh đang rất chờ đợi các bộ Y tế, Công Thương, và Kế hoạch-Đầu tư ban hành càng sớm càng tốt các văn bản hướng dẫn, vẫn theo tường thuật trong bản tin.


Sau khi nghe các thông tin, ý kiến từ những đại diện của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra thực tế rằng hai tỉnh này thực sự là những nơi đầu tiên trực tiếp phòng chống dịch bệnh trong khu công nghiệp.


Dùng cụm từ “tướng chiến trường” để nói về những người đang đi đầu phòng chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Đam đề nghị hai tỉnh linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm khi thực hiện công việc nếu họ thấy các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và các bộ, ngành khác chưa phù hợp trong thực tiễn.


“Chúng ta muốn đưa nhà máy, khu công nghiệp trở lại hoạt động từng phần một thì phải linh hoạt hơn”, ông Đam phát biểu.


Cổng Thông tin của chính phủ tường thuật rằng Phó Thủ tướng Đam đề cập đến thực tiễn nếu những công nhân có nguy cơ được quản lý thật chặt tại nơi ở - thực ra là một hình thức cách ly - rồi có xe đưa đến nơi làm việc, bố trí sản xuất an toàn, thì còn an toàn hơn là dừng toàn bộ hoạt động một nhà máy, khu công nghiệp và đưa mấy chục nghìn người vào các khu cách ly tập trung.


“Đây là thực tiễn mà hướng dẫn trước đây không còn phù hợp và phải điều chỉnh”, ông Đam nói, đồng thời chỉ đạo rằng Bộ Y tế phải ra văn bản điều chỉnh ngay lập tức để Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, từ đó rút ra kinh nghiệm, và nếu kết quả tốt, có thể đem áp dụng trên toàn quốc.


Nhận định về lý do đằng sau dấu hiệu chuyển hướng phòng chống dịch ở Việt Nam, thể hiện qua phát biểu mới nhất của vị phó thủ tướng hôm 24/5, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, nói với VOA:


“Lực lượng lao động ở các khu công nghiệp có số người rất lớn và thường là người lao động nghèo, không có tích lũy, nên nếu đóng cửa, đó là việc rất là gay. Chính vì vậy, đợt này khi xảy ra lây nhiễm ở khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, phó thủ tướng mới phải đưa ra những biện pháp linh hoạt như thế”.


Với sự am hiểu về kinh tế, nữ phó giáo sư-tiến sĩ phân tích thêm rằng với ưu điểm là nước xuất khẩu nhiều, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chạy theo quán tính có được nhờ các đơn hàng cũ. Song tình hình đó đang đứng trước thách thức. Bà Ánh nói:


“Khi nền kinh tế đi xuống, nó không sập ngay mà có một giai đoạn ăn nhờ vào các đơn hàng trước đó. Đến một lúc nào đó mà không còn được nữa, lúc đấy sẽ khó khăn hơn. Hiện nay, trên bề mặt, Việt Nam vẫn ổn, nhưng có lẽ sự chịu đựng cũng không thể quá lâu dài. Kinh tế Việt Nam chắc hẳn không thể chịu đựng được nữa thì chính phủ mới phải đưa ra giải pháp đấy”.


Nữ cựu giảng viên đại học chuyên ngành kinh tế và kinh doanh quốc tế nói thêm rằng chủ trương mới của chính phủ cũng vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Trong quan điểm của bà, cách lâu dài là Việt Nam phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho phần đông dân chúng.


Trong mấy ngày gần đây, báo chí trong nước dẫn lời Bộ trưởng Y tế Việt Nam cho biết trong cả năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, bao gồm 38,9 triệu liều vắc-xin từ Chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca và 31 triệu liều từ Pfizer.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói với báo giới rằng từ nay đến cuối năm 2021, khi có vắc-xin, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 quy mô rộng lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành y tế Việt Nam.


Theo thông tin chính thức của nhà nước, tính trên hơn 96 triệu dân, đến nay mới có hơn 1 triệu liều vắc-xin được tiêm cho các đối tượng là cán bộ y tế, các nhân viên tuyến đầu khác, và các lực lượng công an, quân đội.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 835 guests

cron