Hôm 22/3, vaccine COVID-19 của AstraZeneca có một bước đột phá ở Mỹ sau khi dữ liệu từ một đợt thử nghiệm lớn cho thấy vaccine này an toàn và hiệu quả, có khả năng mở đường cho việc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Hoa Kỳ, theo Reuters.
Các thử nghiệm ở Hoa Kỳ, Chile và Peru cho thấy vaccine AstraZeneca có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng và có thể củng cố niềm tin vào sản phẩm này sau khi có tin nhầm lẫn dữ liệu tính hiệu quả, chế độ dùng thuốc và các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Vào đầu tháng 3, nhiều quốc gia châu Âu ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca sau khi một số báo cáo cho rằng nó có liên quan chứng máu đông, nhưng kể từ đó vẫn tiếp tục tiêm sau khi một cơ quan quản lý khu vực cho biết nó vẫn an toàn. Tuy vậy, một cuộc khảo sát hôm 22/3 cho thấy người châu Âu vẫn nghi ngờ về độ an toàn của vaccine này.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo ở châu Á đã tìm cách tăng cường niềm tin của công chúng bằng cách tình nguyện tiêm vaccine AstraZeneca trong bối cảnh lo ngại việc triển khai tiêm chủng toàn cầu bị chậm lại có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, vốn đã giết chết hơn 2,8 triệu người trên toàn thế giới.
Vaccine AstraZeneca là một trong những loại vaccine COVID-19 đầu tiên và rẻ nhất được phát triển và tung ra thị trường với số lượng lớn và được coi là mũi nhọn chính của các chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước đang phát triển.
Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu ngày 18/3 cho biết loại vaccine này có hiệu quả và không liên quan đến tăng nguy cơ chung về chứng cơ đông máu.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát được công bố hôm 22/3 cho thấy người dân ở 7 quốc gia châu Âu có nhiều khả năng xem vaccine này không an toàn.
Nhiều quốc gia châu Á phụ thuộc rất nhiều vào vaccine AstraZeneca để ngăn đại dịch, và hiện các nước đang tiêm loại vaccine này bao gồm Úc, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.