VOA - World News
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gồm 153 thành viên là cơ quan giám sát những qui luật của mậu dịch quốc tế. WTO được thành lập vào năm 1995 để thay thế một tổ chức có tên là Tổng Thỏa hiệp về Thương mại và Thuế quan hay còn gọi là GATT.
Các chuyên gia cho biết trở thành một thành viên của WTO là một thủ tục phức tạp. Trước tiên, một quốc gia phải chấp nhận toàn bộ một loạt những hiệp định. Những hiệp định này bao gồm một mức trần thuế quan các chính phủ có thể áp đặt trên các loại hàng hóa nhập khẩu khác nhau và những hiệp định khác liên hệ đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thêm vào việc chấp nhận tất cả những qui luật của WTO, một quốc gia phải giải quyết những hiệp định mậu dịch song phương với tất cả các quốc gia khác theo như đòi hỏi. Và cuối cùng, một quốc gia phải thay đổi nhiều luật lệ về kinh tế và mậu dịch của nước mình cho phù hợp với những chuẩn mực quốc tế.
Quốc gia cuối cùng gia nhập WTO, có trụ sở tại Geneva là Ukraina vào năm 2008. Nga đã thương thuyết để gia nhập WTO trong 18 năm qua.
Ông David Christy, một luật sư làm việc cho công ty luật Thompson Hine và là một chuyên gia về mậu dịch đã giúp nhiều chính phủ trong việc gia nhập WTO nói một quốc gia muốn gia nhập và nghiêm chỉnh trong việc đáp ứng những đòi hỏi của WTO có thể trở thành một thành viên của tổ chức này trong vòng từ 3 đến 4 năm.
Ông Christy nói: “Khi một quốc gia như Nga hay Trung Quốc gia nhập, thường phải lâu hơn vì nền kinh tế của những nước này quá phức tạp, nhưng cũng vì những nước này cật lực thương thuyết để giảm thiểu những nghĩa vụ bắt buộc phải thi hành. Và Nga sẵn sàng kéo dài thời gian để đảm bảo là những nghĩa vụ Nga phải chấp nhận càng ít càng tốt. Và trong khía cạnh đó, đối với Nga và những nhà thương thuyết của nước này - Tôi nghĩ họ làm việc rất tuyệt hảo.”
Ông Christy mô tả đường lối của Nga trong những cuộc thảo luận để gia nhập WTO.
Ông Christy nói: “Nga có kiểu thương thuyết rất mạnh bạo với khuynh hướng làm những phái đoàn khác mệt mỏi. Và do đó họ sẵn sàng kéo dài tiến trình thảo luận nhiều năm, năm này sang năm khác.”
Ông Anders Aslund, một chuyên gia về Nga thuộc Viện Peterson về các vấn đề Kinh tế Quốc tế nói Tổng thống Nga Dmitry Medvedev là một người bênh vực mạnh mẽ cho việc Nga gia nhập WTO.
Ông Aslund nói: “Ông ấy vẫn thúc đẩy và những tiến bộ chính yếu đã được thực hiện trong hai năm qua. Và những giai đoạn khác có những tiến bộ thực sự là từ những năm 2000 đến 2003, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên giữa năm 2003 và 2010, có rất ít tiến bộ.”
Các chuyên gia nói có một trở ngại chính vẫn còn tồn tại trong việc gia nhập WTO của Nga là sự chống đối của Gruzia. Theo qui luật của WTO, bất cứ một thành viên nào cũng có thể ngăn chận một quốc gia mới xin gia nhập bằng cách phủ quyết, vì WTO hoạt động theo đồng thuận.
Gruzia luôn luôn mạnh mẽ chống đối việc Nga ủng hộ cho hai khu vực ly khai Abkhazia và South Ossetia.
Moscow và Tbilisi giao tranh trong một cuộc chiến ngắn ngủi về hai vùng này vào năm 2008. Hiện nay Nga xem đây là hai quốc gia độc lập-một qui chế không được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Ông Anders Aslund nói việc Gruzia chống đối việc gia nhập của Nga có liên quan đến những thủ tục thuế quan giữa Nga và hai vùng ly khai này.
Ông Aslund nói: “Điều người Gruzia đòi hỏi là có sự kiểm soát đa phương về mậu dịch qua hai vùng lãnh thổ này, South Ossetia và Abkhazia. Còn Nga chống lại chuyện này.”
Ông David Christy nói vấn đề thực sự là Nga đối xử với những vùng ly khai như là các lãnh thổ hoàn toàn tách rời khỏi Gruzia khiến Tbilisi mạnh mẽ phản đối.
Ông Christy nói: “Do đó việc mậu dịch này, theo quan điểm của Nga phải đi từ Nga qua South Ossetia và Abkhazia và sau đó vào Gruzia. Trong khi đó theo quan điểm của Gruzia, một khi hàng hóa ra khỏi nước Nga, thì những hàng hóa này đã vào địa phận Gruzia theo công pháp quốc tế, ngay cả khi Gruzia không hoàn toàn kiểm soát lãnh thổ này.”
Hoa Kỳ ủng hộ việc Nga gia nhập WTO trong khi cùng một lúc lại nói không áp lực với Gruzia để nước này thay đổi quan điểm. Các chuyên gia chia làm hai phe trước câu hỏi liệu Nga có khả năng giải quyết những bất đồng với Gruzia vào lúc WTO họp hội nghị cấp bộ trưởng từ ngày 15 đến 17 tháng 12 năm nay hay không.