Trong khi vụ án AVG-MobiFone còn đang nóng hôi hổi, Bộ trưởng bộ 4T Trương Minh Tuấn ngày đêm thấp thỏm chờ ngày định đoạt số phận thì một ngôi sao nổi lên sẵn sàng thay thế cho ông bộ trưởng có gốc gác là chuyên gia chống diễn biến và chuyển hóa này. Người lấp ló phía sau hậu trường Bộ chính trị là một chuyên gia về truyền thông, đầu tàu của Viettel, và được được đào tạo bài bản từ Nga và Úc.
Ông ấy là Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thay cho ông Trương Minh Tuấn trở về vị trí cũ, vị trí của một người giữ lề của đảng, đúng như đồn đoán của báo chí.
Nhìn vào lý lịch của ông Hùng rất nhiều thanh niên hứng khởi như tìm thấy một chân trời mới cho mình sau nhiều năm mù mờ giữa những bài học vu vơ về cách làm giàu, về giấc mơ thành người vĩ đại, về tương lai vượt biên giới nhỏ bé của Việt Nam để ra biển lớn ... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng do nhiều lần đăng đàn trò chuyện với các doanh nhân nổi tiếng trong đó có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viettel, về các đề tài khởi nghiệp trong thanh niên cũng như những mánh lới vượt qua tình trạng khó khăn mà một doanh nghiệp gặp phải.
Đối với người trẻ thì ông Hùng hấp dẫn họ ở sự thành công của ông ấy hơn là thu nhận “tinh hoa” từ lời phát biểu của một người dày dạn. Hào quang thành công cộng hưởng với vai trò mới là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông càng làm cho giới trẻ trố mắt xuýt xoa nhưng hiếm ai trong họ tự hỏi tại sao ông Hùng đi từ thành công này tới thành công khác một cách trơn tru như vậy? Có lẽ câu trả lời không khó khăn lắm nếu nhìn kỹ lý lịch của ông Hùng từ khi bắt đầu tập tễnh những ngày vào đại học ông đã có hậu thuẫn phía sau, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức này là chỗ dựa vững chắc cho ông thành công mà thiếu nó dù có tài giỏi cách mấy có lẽ ông vẫn còn ngồi nhà mơ mộng chuyện khởi nghiệp như hàng vạn thanh niên khác.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói nhiều lần, nhiều nơi về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và mỗi lần phát biểu là một lần ông nhấn mạnh tới vai trò của người trẻ. Được mời phát biểu tại Diễn Đàn Thanh Niên Khởi Nghiệp năm 2018, ông Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 để thay đổi thứ hạng, trở thành nước phát triển. Việt Nam có khát vọng hưng thịnh quốc gia, sánh vai cường quốc năm châu vào năm 2045. Chúng ta cần có niềm tin rằng sau 100 năm độc lập, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập đầu người trên $20,000 và không bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.”
Câu nói này na ná với những lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí. Tuy nhiên ông Hùng không mấy giỏi giang khi làm toán vì ông quên rằng các nước phát triển không thể nào dừng con số thu nhập lại để chờ Việt Nam đến ¼ thế kỷ nữa. Nếu vào năm 2045 Việt Nam lạch bạch đạt được con số mà ông Hùng đưa ra thì thế giới có thể kiếm tiền gấp ba lần thu nhập hiện nay của họ, thế là khỉ vẫn hoàn khỉ.
Nói nhiều, nói mạnh nhưng có thể do không nghiên cứu cặn kẽ và nhất là tâm lý tự hào mình nói gì thì bọn trẻ cũng vỗ tay khiến cho ông Bộ trưởng bị hố, mà hố một cách thảm hại. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 3 tháng 12 của báo VNXpress, ông Hùng đưa ra nhận xét không những chủ quan mà còn đậm nét hoang tưởng, ông khẳng định: “Xét về thu nhập trung bình thì Việt Nam thua Mỹ hàng chục lần. Nhưng xét về giới tinh hoa, về thanh niên thì chúng ta không kém Mỹ nhiều. Thanh niên đầu tiên phải có niềm tin vào chính mình, tin rằng mình không thua kém ai về bất kỳ phương diện nào”.
Giới tinh hoa thì có lẽ Việt Nam không mấy tự tin vỗ ngực xưng danh với thế giới vì sự thật đau lòng trong bao năm qua chưa thấy một cá nhân nào có dấu ấn lớn lao cho đất nước trong mọi lĩnh vực chứ đừng nói là một nhóm hay một giới. Có chăng là những trí thức ưu thời mẫn thế, chán nản thể chế và buộc phải im lặng mà sống như những người bình thường. Tinh hoa nào còn đọng lại được trong một xã hội với câu kinh vạn năng “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội Chủ Nghĩa”?
Còn thanh niên ư? Chắc ông Bộ trưởng Hùng nói thanh niên Việt Nam ở … nước ngoài thì đúng hơn. Hãy nhìn những con phố nghẹt người cuồng lên vì một trận bóng, toàn là thanh niên, là những người không hề kém Mỹ đấy.
Ông bộ trưởng không những hố khi phát biểu giống Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ông còn bê nguyên lời phát biểu của ông Phúc, vốn bị trêu chọc không ngớt mấy ngày qua, vào câu trả lời phỏng vấn của mình. Vào ngày 3 tháng 12, nói với báo VNXpress Bộ trưởng Hùng hăm hở:
“Tôi cho rằng, sứ mạng này đặt lên vai các bạn thanh niên. Hãy coi đây như một cuộc chiến giải phóng dân tộc mà thanh niên phải đi đầu. Việt Nam đã nuôi dưỡng các bạn, như người mẹ đã nuôi dưỡng con khôn lớn, đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới và mang thế giới về Việt Nam.”
https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/ ... 47757.html
Ông Hùng đạo lời của Thủ tướng vì trước đó 4 ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tối 29/11 tại Đà Nẵng như sau:
“Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam.”
https://baomoi.com/da-den-luc-phai-chin ... 788118.epi
Nhưng sai lầm nhất trong khái niệm làm cho Hùng bị ném đá vài ngày qua là câu nói mà đối với một chuyên gia không thể phát biểu. Ông Hùng cho rằng: “Tất cả người khởi nghiệp sáng tạo thành công đều đi lên từ bàn tay trắng, như Bill Gates, Steve Job, Zuckerberg, Elon Musk... Thế giới hôm nay, lợi thế lớn nhất lại là không có gì trong tay và vì thế mà có khát vọng lớn lao, tinh thần lao động quên mình, cái cần nhất cho khởi nghiệp sáng tạo. Đói khát không phải là một bất lợi mà là một lợi thế, mà cái đó thì thanh niên luôn có thừa.”
Ông nhai lại khái niệm cách mạng 4.0 rằng quốc gia nào chưa từng trải qua các cuộc cách mạng chấm 0 trước đó sẽ có lợi thế áp dụng cách mạng 4.0 vì không mang trên vai các thành quả cũ rất khó bỏ xuống mà áp dụng các khái niệm mới của lần này. Ông Hùng so sánh sai chủ thể và nhất là ví von một cách kém thông minh làm cho diễn ngôn của ông trở thành trò cười cho thiên hạ.
Bill Gates, Steve Job, Zuckerberg, Elon Musk khởi nghiệp trong môi trường của một đất nước phát triển tột bậc từ kinh tế, tới chính trị, công nghệ IT cũng như bao thứ thành tựu khác. Họ thành công vì xã hội Mỹ nhanh chóng thừa nhận ý tưởng của họ và tiếp tay cho sự thành công ấy bằng cách đầu tư vào ý tưởng của họ để hình thành những công ty lừng danh thế giới.
Còn Việt Nam thì sao? Một hỗn hợp buồn thảm từ môi trường sống cho tới môi trường làm việc hay kinh doanh, nằm trọn vẹn dưới một thể chế chỉ chấp nhận sự vâng lời và dị ứng với mọi tư duy khác biệt thì làm sao nảy sinh những người như Bill Gates?
Trong tinh thần đó người dân sẽ dễ dàng đồng ý với mệnh đề “Đói khát thật sự là một bất lợi, mà cái đó thì thanh niên luôn có thừa.”
Và càng đồng ý hơn nữa với một status của nhà văn Nguyễn Quang Lập “Đói khát là lợi thế của ăn mày, thưa Bộ trưởng”.
*Lấy cảm hứng từ status của nhà văn Nguyễn Quang Lập