“Tài sản bất minh” là tài sản thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có.
Sau 3 kỳ thảo luận, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng thuận việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Chỉ có 32% số đại biểu quốc hội tán thành, tức là 68% hay hơn 400 đại biểu Quốc hội không tán thành phương án đưa tài sản không chứng minh được nguồn gốc ra xử lý tại tòa án trong cuộc bỏ phiếu mới đây.
Duy nhất một đại biểu tán thành tịch thu tài sản được xem là bất minh.
Tài sản bất minh rõ ràng là tài sản không kiếm được từ thu nhập một cách chính đáng và hợp pháp. Chúng đến từ móc ngoặc, tham ô, hay biển thủ công quỹ. Tài sản bất minh chính cái tên của nó đã định nghĩa một cách rõ ràng là bất hợp pháp và việc chế tài người nào có tài sản bất minh không thể nào khó khăn đến nỗi cả ba kỳ họp của Quốc hội vẫn không đồng thuận cho một biện pháp chế tài.
Nhưng nếu nhìn kỹ vào cơ cấu Quốc hội người ta sẽ không ngạc nhiên vì cái rào cản vô hình khiến cho việc giải quyết tài sản bất minh cứ đứng yên giữa nghị trường, mặc sức cho tiếng búa của bà Chủ tịch Quốc hội kêu vang trên bàn chủ tọa.
Theo số liệu chính thức từ văn phòng Quốc hội thì khóa XIV có 100 Ủy viên trung ương đảng, toàn bộ Ủy viên Bộ chính trị, 3 Phó Thủ tướng, 13 Bộ trưởng. Gần 96% ĐBQH là đảng viên.
Gần 96% đảng viên có số má trong hệ thống cầm quyền lại kiêm nhiệm thêm vai trò của đại biểu Quốc hội bảo sao họ không tán thành việc tịch thu tài sản bất minh, ngay cả biện pháp đánh thuế là một biện pháp giơ cao đánh khẽ, cũng không được họ tán thành, bởi nếu tán thành thì chính họ bỏ phiếu chống lại mình hay sao?
Vì có đảng viên nào đáng được gọi là trong sạch để không dính vào tài sản bất minh?
Vài tháng trước Thanh tra Chính phủ cho biết hơn 1,1 triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 6 người sai phạm. Con số lý tưởng này thật ra chỉ là một vở diễn của cái được gọi là kiểm kê tài sản quan chức nhà nước do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trương. Kết quả “đẹp đến thế là cùng” này chắc sẽ làm cho nhiều người bất mãn vì con số không thể thuyết phục trong hoàn cảnh cán bộ viên chức cao cấp phục vụ trong guồng máy nhà nước có thu nhập từ nguồn thứ hai ngoài lương mới là chính.
Nguồn thu nhập thứ hai đến từ hàng ngàn “đầu mối”. Từ vẽ ra dự án đến tổ chức đấu thầu, từ phê duyệt kinh phí đến móc ruột ngân sách....tất cả được thu vén và vận hành song song với cỗ máy nhà nước. Tài sản bất minh nếu bị khai quật lên, có lẽ không còn ai trong Quốc hội nữa đơn giản chỉ vì các đại biểu đang vò đầu bức tai tìm cách nào hay nhất đễ khai báo “tài sản bất minh” mà họ có được ở một nơi khác, nơi mà họ đang là Chủ tịch này, Bí thư kia.
Ngay cả khi quan chức về hưu rồi Quốc hội cũng tìm cách bao che cho những hành vi mà họ đã làm khi còn tại chức. Những hành vi ấy đối với người dân thì ngay lập tức sẽ bị khởi tố và vào tù, nhưng với quan chức nhà nước thì dù họ có vi phạm một cách trắng trợn nhất cũng có lá bùa của Quốc hội mà được miễn truy cứu.
Thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi sáng 8/11, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa thuộc đơn vị tp Hồ Chí Minh cho rằng, không nên xem xét đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp. “Tôi nghĩ cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu”-
“Phức tạp” là cách nhìn của ông Nghĩa, nó sẽ làm các quan to trước khi về hưu không dám ký bừa bãi cho những “mối” béo bở vào những nơi kiếm tiền dễ như đi gom lá mùa thu. Phức tạp vì người dân sẽ được quyền tố cáo những “tạp quan” mà họ biết để rồi từ những tố cáo ấy đảng và nhà nước sẽ trở thành tấm bia cho người dân ném mọi giận dữ vào.
Quốc hội Việt Nam thật ra rất có quyết tâm vào những chuyện khác miễn là đừng dính gì tới tham nhũng, biển Đông, hay dân chủ nhân quyền. Vì vậy đừng kỳ vọng vào lá phiếu chống lại chính họ khi vùng cấm của đại biểu quốc hội bị xâm phạm.