Thiền sư Thích Nhất Hạnh mới kêu gọi các phật tử về Chùa Từ Hiếu, Huế, nơi ông xuất gia lúc 16 tuổi, để “chúng ta cùng hiến tặng sự có mặt cho nhau và cùng nhau hàn huyên trong tình huynh đệ ấm áp”.
Trong lá thư có chữ ký của ông, mà VOA tiếng Việt có trong tay, nhà sư Phật giáo có ảnh hưởng trên thế giới nói rằng “niềm an lạc và hạnh phúc được sống chung hòa hợp với nhau sẽ là món quà quý nhất để chúng ta dâng lên chư vị Tổ sư của Tổ Đình [Từ Hiếu]...”
Đáp lại lời hiệu triệu này, mấy ngày qua, theo truyền thông trong nước, “hàng nghìn phật tử đã đổ về Huế mong gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh”, sau khi ông quyết định “trở lại ngôi chùa gốc rễ tâm linh của mình”.
Các hình ảnh được báo chí đăng tải cho thấy nhiều người đã tập trung gần nơi ông đang tịnh dưỡng, mà báo điện tử VnExpress nói đã được “phong tỏa nghiêm ngặt”.
Lá thư gửi cho các tăng ni của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có đoạn nói thêm rằng “trên 70 năm qua, kể từ khi rời khỏi Phật Học Đường Báo Quốc, tôi đã chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư Tổ đã tin tưởng và phó thác cho tôi...”
Vị thiền sư cũng “hân hoan” đề cập tới một “vinh dự không những cho riêng cá nhân tôi mà còn cho cả Tổ đình của chúng ta và cho cả Phật giáo Việt Nam” khi được chọn là một trong “13 vị thầy đã góp phần vào sự thành hình và phát triển của đạo Phật trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2500 năm lịch sử của Phật Giáo”.
Bức thư nói rằng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được chọn ở vị trí thứ 10, trong khi lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nằm ở vị trí thứ 12.
Vòng tròn giờ đây đang được khép lại, tôi thấy rằng đã đến lúc tôi cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này.
“Sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cho cả Đông Tây đã phần nào được thành tựu. Vòng tròn giờ đây đang được khép lại, tôi thấy rằng đã đến lúc tôi cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này”, lá thư có đoạn.
“Ao ước được trở về sống nơi đất Tổ và xây dựng nề nếp tu học tại Tổ Đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi trong suốt những năm qua”.
Sau khi bị đột quỵ năm 2014, theo Làng Mai, trung tâm thiền tập tại Pháp được thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập vào đầu năm 1982, ông “vẫn luôn hiện diện tỉnh táo và mạnh mẽ” dù ông “chưa phục hồi khả năng nói”.
“Thầy vẫn đang tiếp tục sống từng phút giây trong thảnh thơi và an lạc, với sự có mặt đích thực và đầy ý nghĩa, biến những khó khăn thử thách về sức khỏe sau cơn đột quỵ bốn năm trước thành một bài pháp không lời”, theo Làng Mai.
Trong lá thư, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng “giờ đây chúng ta đã có hàng triệu con cháu của Tổ Đình Từ Hiếu từ những quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới”.
Ông cũng nói thêm rằng ông “đã quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ” và để “con cháu Tổ Đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa”.
Trên dưới không đồng lòng chỉ có phép mầu nhiệm của Phật pháp mới xoa dịu nỗi khổ của người dân Việt Nam!!!
Trên trang Facebook của Làng Mai, một người sử dụng có tên Phan Nguyệt viết: “Thầy thiền sư từ nước ngoài trở về làm cho linh hồn chùa được sống động ai cũng thấy an lạc trong cuộc sống và không ai còn nhìn thấy cảnh náo loạn cuộc sống đời thường của xã hội đang từng ngày diễn ra và tâm hồn hân hoan của các thầy Tăng ni như đón mùa xuân sang đang tới gần với con người. Thật diễm phúc cho đất nước Việt Nam có vị thầy tôn kính và tràn đầy năng lượng sống”.
Facebooker này viết thêm: “Hào quang của Thầy lan tỏa trên khắp cả thế giới nay hội tụ tại Việt Nam. Cho dân Việt Nam có ánh sáng của đạo Phật để xua tan bóng tối u minh màn đêm đông làm cho đất nước không an lạc được, chiến tranh luôn đe dọa con người Việt. Trên dưới không đồng lòng chỉ có phép mầu nhiệm của Phật pháp mới xoa dịu nỗi khổ của người dân Việt Nam!!!”